
Bước vào năm học mới ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nối hai chữ “tình nguyện” dường như tạm thời lắng xuống nhưng với các thành viên trong đội tình nguyện của Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội thì ngọn lửa tình nguyện vẫn bùng cháy mạnh mẽ.

Giờ ngoại khóa của sinh viên tình nguyện và các em thiếu nhi.
Sau khi kết thúc đợt tình nguyện mùa hè 2004-2005, các thành viên đội tình nguyện rất xúc động khi thấy các em nhỏ ở xã Cao Trí, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn ham mê học song thiếu thốn rất nhiều thứ. Từ đó, đội trưởng đội tình nguyện Nguyễn Quốc Việt đưa ra sáng kiến tổ chức chương trình “Nhịp cầu tri thức”.
Các thành viên trong đội đi quyên góp áo quần, sách vở, bút viết… tại các trường phổ thông ở Hà Nội tiếp tục gửi cho các em nhỏ ở Bắc Cạn. Sáng kiến của Nguyễn Quốc Việt đã nhận được sự đồng tình của tất cả các thành viên trong đội.
Cả đội chia làm mười nhóm để đi tới các trường phổ thông lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội. Đội tình nguyện không những quyên góp được đồ dùng học tập của các em học sinh mà còn nhận được áo quần và đồ dùng học tập của các bạn sinh viên và các thầy cô giáo. Thế nhưng, những đồ dùng này thường là “ngoại cỡ” so với thiếu nhi. Thế là các thành viên của đội nghĩ ra sáng kiến đem những sản phẩm này bán để lấy tiền mua sách vở cho các em.
Trên giá sách của đội trưởng Việt luôn có những lá thư của em nhỏ từ Bắc Cạn, nơi đội tình nguyện đã dạy các em những bài học đầu tiên. Những nét chữ nhiều chỗ còn sai lỗi chính tả được viết một cách nắn nót, tỉ mỉ và rất chân thành: “Các anh chị ơi, nhờ có anh chị dạy mà bây giờ em đã học giỏi hơn, em còn được cô giáo khen nữa cơ! Mùa hè năm sau anh chị lại lên với chúng em nữa nhé…”.
Giờ đây đội tình nguyện đã quyên được 2.100 bộ quần áo, 3 bảng đen (trị giá mỗi cái 5 triệu đồng), 50 cuốn sách giáo khoa, 200 vở học sinh, 100 bộ đồ dùng học tập, 200 khăn quàng đỏ…
Phát biểu tại Tọa đàm phát huy vai trò của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện phát triển cộng đồng, Nguyễn Quốc Việt nói: “Để có thể đi tình nguyện, chúng tôi phải hy sinh nhiều thứ khác như nhịn ăn sáng, nhịn đi mua sắm hay đi chơi cùng người yêu. Song đổi lại chúng tôi thấy hạnh phúc khi được nhìn thấy những nụ cười trên các khuôn mặt ngây thơ của các em. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình”.
NGUYỄN CHÍ KIÊN