Theo Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 26-3-2013 (NĐ26) của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng, thanh tra xây dựng chỉ còn 2 cấp là cấp bộ và cấp sở. Theo đó, tại TPHCM sẽ không còn lực lượng thanh tra xây dựng quận - huyện, phường - xã, thị trấn chỉ còn thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Xây dựng. PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Thực tiễn chứng minh hiệu quả
* Phóng viên: Ngày thực hiện NĐ 26 đã cận kề, tuy nhiên hiện vẫn còn một số quận-huyện băn khoăn về mô hình thanh tra xây dựng mới không sâu sát và hiệu quả như thanh tra xây dựng quận-huyện, phường - xã thị trấn trước đây. Liệu việc này có tạo sự đồng thuận xuyên suốt để thực hiện hay không, thưa ông?
* Ông TRẦN TRỌNG TUẤN: Khi tiếp cận một vấn đề mới, đặc biệt là vấn đề phức tạp và nhạy cảm thuộc lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị thì sự lo lắng, băn khoăn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không phải góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà là phải áp dụng pháp luật. NĐ 26 có hiệu lực từ ngày 15-5-2013, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Phải công nhận rằng lực lượng thanh tra xây dựng quận - huyện, phường - xã, thị trấn được thành lập theo QĐ 89/CP năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ đã kết hợp với thanh tra xây dựng Sở Xây dựng tạo thành một hệ thống thanh tra xây dựng chuyên ngành xuyên suốt từ TP đến tận cơ sở, nhờ đó số lượng vụ xây dựng sai phép, không phép và buộc tháo dỡ trên địa bàn TP đã giảm đáng kể, hạn chế tình trạng lãng phí tài sản của người dân và xã hội.
Theo tôi, để so sánh hiệu quả hoạt động của mô hình thanh tra xây dựng theo NĐ 26 với mô hình thanh tra xây dựng trước đây phải đợi câu trả lời từ thực tiễn. Trước mắt, cần thống nhất về nhận thức để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai NĐ 26/CP. NĐ này không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận-huyện và phường-xã, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp tốt giữa thanh tra xây dựng Sở Xây dựng với UBND quận - huyện, UBND xã - phường, thị trấn trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
* Trước đây, không ít quận -huyện đã kiến nghị giữ nguyên lực lượng thanh tra xây dựng quận - huyện, phường - xã, thị trấn, đổi tên thành đội quản lý trật tự đô thị và thực hiện cả 2 nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Tại sao Sở Xây dựng lại chọn phương án lập 24 đội thanh tra xây dựng đặt tại các quận-huyện?
* Đây cũng là một trong 2 phương án được đặt ra trong quá trình xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng. Tuy nhiên, khi rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật chúng tôi thấy phương án này không đảm bảo về cơ sở pháp lý để triển khai, bởi đội trật tự đô thị không có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP và không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Do đó, Sở Xây dựng chọn phương án phù hợp với nghị định là thành lập 24 đội thanh tra địa bàn đặt tại 24 quận, huyện và được UBND TPHCM phê duyệt. Mặt khác, để phù hợp và đáp ứng với tình hình quản lý trật tự đô thị tại địa bàn TP, Sở Xây dựng và Sở Nội vụ cũng thống nhất với kiến nghị của UBND quận, huyện về việc báo cáo, đề nghị UBND TP cho phép thành lập các đội trật tự đô thị như trước đây trên cơ sở một phần của lực lượng thanh tra xây dựng để thực hiện nhiệm vụ trật tự đô thị trên địa bàn.
Công bố đường dây nóng thanh tra xây dựng
* Thực tế cho thấy lực lượng thanh tra xây dựng quận - huyện, phường - xã, thị trấn góp phần giúp UBND quận - huyện kịp thời phát hiện vi phạm xây dựng rất lớn vì được “nằm vùng” tại địa phương trong khi hiện nay dồn hết lên sở. Vậy, những băn khoăn về việc mô hình thanh tra xây dựng mới giao về một đầu mối là Sở Xây dựng chỉ nâng cao tính chuyên môn chứ không thể sâu sát địa bàn như thanh tra xây dựng trước đây là không phải không có cơ sở?
* Theo tôi, mô hình tổ chức nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Làm thế nào để lực lượng thanh tra xây dựng có thể sâu sát địa bàn, phối hợp hiệu quả với UBND quận-huyện, phường-xã, thị trấn góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng cũng là vấn đề mà Sở Xây dựng và các quận, huyện rất quan tâm và bàn bạc trong quá trình xây dựng đề án. Trước mắt, các giải pháp được TP triển khai là thành lập 24 đội thanh tra xây dựng đặt tại 24 quận - huyện; xây dựng Quy chế phối hợp giữa thanh tra xây dựng Sở với UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; công bố đường dây nóng: 08-3932 0575 để người dân kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng để thanh tra xây dựng kịp thời phối hợp kiểm tra và xử lý theo quy định.
* Ông cho rằng trình độ của đội ngũ thanh tra xây dựng quận - huyện, phường - xã, thị trấn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quy định; một số không đủ chuyên môn, nghiệp vụ nên chậm phát hiện ra sai phạm trong xây dựng và lúng túng trong xử lý vi phạm. Liệu trình độ của lực lượng thanh tra xây dựng mới có cải thiện được tình hình này không?
* Một trong những yêu cầu của việc triển khai NĐ 26 là từng bước củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP. Theo đó, cán bộ, công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm thanh tra viên ngành xây dựng phải có đủ các tiêu chuẩn: có trình độ đại học trở lên các chuyên ngành như xây dựng, kiến trúc quy hoạch, luật, kinh tế hoặc đất đai; có chứng chỉ đào tạo pháp luật về xây dựng và nghiệp vụ thanh tra đồng thời phải có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan trong khi thi hành nhiệm vụ. Tôi tin rằng mô hình thanh tra Sở Xây dựng trong thời gian tới cùng với UBND quận - huyện, phường - xã và các lực lượng chức năng khác sẽ từng bước đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.
| |
HẠNH NHUNG thực hiện