Cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hồ Chí Minh chịu nhiều áp lực, nhất là khi đảm trách công việc ở những lĩnh vực, địa bàn còn nhiều khó khăn, phức tạp, đông dân… Trong hoàn cảnh như vậy, dù chưa có thu nhập tương xứng nhưng nếu được đánh giá đúng, được tạo điều kiện, chia sẻ… cũng ấm lòng và tạo nên sự gắn kết, phấn đấu vì trách nhiệm và vì tấm lòng yêu thành phố.
Cuối năm, cũng là thời điểm diễn ra các hoạt động kiểm điểm, đánh giá, bình chọn thi đua, lấy phiếu tín nhiệm… Nhiều người cho rằng, đây là những việc làm cần thiết nếu tiến hành một cách thực chất, có đầy đủ thông tin, khách quan và công tâm. Nhưng nếu làm một cách hình thức, máy móc… sẽ đem đến cảm giác mệt mỏi, ít nhiều làm hư hao lòng tin vào sự trung thực và những giá trị tốt đẹp. Bởi vì, trong thực tế, có người phải đương đầu với công việc khó khăn, thử thách, nếu không được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Còn đối với lĩnh vực nhàn nhã hơn, ít va chạm, đôi khi lại được đánh giá cao. Chính vì thế, khâu đánh giá cán bộ trong thời gian dài luôn là khâu yếu.
Chúng ta có thể yên tâm đối với cán bộ công chức được đào tạo bài bản, có chuyên môn, dám đương đầu, làm việc công tâm vì lợi ích chung, không biết chạy, không quà cáp cấp trên và cũng không biết đổ lỗi. Cán bộ loại này thường lặng lẽ làm việc, nếu lãnh đạo không sâu sát thì có khi cũng không được đánh giá cao. Ngược lại, xã hội còn rất lo khi có không ít người trong bộ máy làm việc không hiệu quả mà không thay thế được. Có khi những người này còn được khen thưởng vì nhiều lý do. Chính vì vậy mà trong bộ máy còn kéo dài tình trạng bất cập, trì trệ.
Việc đánh giá, trước hết đòi hỏi mỗi người tự đánh giá đúng bản thân mình với tinh thần trách nhiệm cao, với cả sự dũng cảm và hết sức tự giác, nhất là đối với người lãnh đạo, người đứng đầu. Nếu thủ trưởng không tự phê bình tốt, thích chạy theo thành tích, thích được khen thì cấp dưới khó mà thực hiện phê bình, góp ý nhằm cải thiện tình hình theo hướng tốt lên. Việc đánh giá đòi hỏi các thành viên, đồng sự phải công tâm, trên cơ sở trách nhiệm, thẩm quyền được giao, cùng với hiệu quả và sản phẩm mang lại. Với những việc còn hạn chế, cần được xem xét thấu đáo, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trên tinh thần người trong cuộc và thái độ xây dựng.
Trước những vấn đề còn hạn chế, yếu kém, có thể là những tồn đọng kéo dài, phải dám nhìn thẳng sự thật, không làm quá lên, cũng không xuề xòa, tránh né, không đổ lỗi, cũng không lấy tập thể làm “công sự” để trốn tránh trách nhiệm. Vấn đề phải được làm rõ với ý thức biết nhận lãnh trách nhiệm, cái gì của tập thể lãnh đạo, cái gì của cá nhân phụ trách, cùng với việc phát huy dân chủ, khơi dậy việc đóng góp ý kiến, sáng kiến nhất định sẽ tìm ra cách xử lý tối ưu, sớm khắc phục tình hình. Việc gì vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết.
Nếu việc kiểm điểm, đánh giá bình chọn thi đua với tinh thần xây dựng, với ý thức tự phê bình cao, thật sự cầu thị thì không khí cơ quan, đơn vị sẽ tốt lên, tạo nên cảm giác công bằng và động lực phấn đấu vươn lên đối với mỗi người. Còn ngược lại, sẽ là rất nặng nề, thậm chí có người còn cho rằng, góp ý mà như “diễn” với nhau, nể nang, lấy lòng nhau hoặc làm theo kiểu qua loa, đại khái cho xong thì rất ít tác dụng.
Học cách chịu trách nhiệm với tinh thần phục vụ dân, vì lợi ích nhân dân, nói đi đôi với làm, luôn phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư…là phẩm chất, nhân cách, là lòng tự trọng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Những người biết học cách vươn lên như vậy, cho dù còn phải đối diện với công việc có nhiều khó khăn, thử thách và trước mắt có thể chưa được khen thưởng nầy nọ nhưng với cái tâm sáng đẹp, với ý chí và nghị lực phấn đấu, họ sẽ vượt qua, sẽ trưởng thành và sẽ luôn nhận được sự tôn trọng.