Cứ vào tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, hàng chục học viên tuổi từ 25 đến 50 hớn hở kéo nhau đến điểm trường ở thôn Tây Sơn và Tân Sơn (xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) để tham gia lớp xóa mù chữ. Từ chỗ một chữ bẻ đôi không biết, nay các học viên đã đọc thông viết thạo, mỗi người ôm trong mình một “bụng” chữ căng tròn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thảo hướng dẫn học viên viết bài.
Cãi chồng đến lớp
Màn đêm vừa buông xuống, con đường dẫn vào Trường Tiểu học Kim Đồng (thôn Tây Sơn) lại nhộn nhịp tiếng người lớn, trẻ con. Từng tốp người đi bộ, lưng địu con nhỏ, tay cầm đèn pin í ới rủ nhau đến lớp. Khi tiếng kẻng từ trường vang lên, hàng chục học viên người Dao, Tày, Nùng… lặng lẽ bước vào phòng rồi mang sách ra đọc theo sự hướng dẫn của cô giáo. Tiếng đánh vần: cà phê, cây lúa, con cá, con tôm… đồng thanh vang khắp bản làng, xuyên qua những làn sương lạnh của núi rừng Tây Nguyên. Trong lúc cha mẹ say sưa ngồi tập đọc, những đứa con tiếp sức bằng cách đọc theo, có cháu ngồi bên để chỉ bày cho mẹ đọc…
Học viên lớp xóa mù có người đã lên chức bà, chức ông. Có người mù chữ từ nhỏ, lại có người từng biết mặt chữ nhưng những năm tháng mải mê đi “bắt vợ” nên con chữ cũng chạy mất. Theo học, mỗi người mang trong mình một động lực, nhưng chung quy đều khát khao “no bụng” chữ.
Chuyện chị Hoàng Thị Hòi (35 tuổi, thôn Tây Sơn) cãi chồng để đăng ký học lớp xóa mù khiến nhiều bạn học nhắc mãi. Chuyện xảy ra từ 2 mùa rẫy trước, khi chị Hòi ra chợ mua giống bắp về trồng. Do không biết chữ nên giữa ma trận các giống bắp bày bán, chị chọn mua loại để trong bao bì có in hình những quả bắp to. Khi trồng, bắp cho hạt lép nên mùa vụ năm đó mất mùa, gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn. “Nếu biết chữ, mình sẽ đọc kỹ tên giống bắp chứ không phải chọn bừa như vậy. Cũng từ đó, mình tự dặn lòng phải học chữ cho bằng được”, chị Hòi tâm sự.
Khi xã thông báo mở lớp xóa mù, vợ chồng anh Triệu Tiến Tú (47 tuổi) và chị Hoàng Thị Mùi (41 tuổi, thôn 9, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil) cùng dắt nhau ra xã đăng ký tham gia. “Thiếu gì cũng được nhưng thiếu chữ là không ngóc đầu lên nhìn thiên hạ được đâu”, anh Tú nói. Nhiều năm nay, vợ chồng anh làm một mẫu lúa cũng chỉ đủ nuôi 5 miệng ăn. Anh Tú có ý định mở gian hàng nhỏ để bán mắm, muối kiếm thêm đồng ra đồng vào, nhưng vướng chuyện mù chữ nên ý định vẫn chưa thực hiện được.
“Vốn có rồi nhưng ngặt nỗi không biết chữ. Mà không có chữ thì làm sao buôn bán được. Thôi thì bây giờ tạm gác làm ăn để đi học chữ đã”, chị Mùi phân bua. Chị Dương Thị Thảo (33 tuổi, thôn 9, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil), dù nhà cách trường khá xa nhưng đêm nào cũng có mặt ở lớp đúng giờ.
“Nhiều lần lên xã làm khai sinh, hoặc ký giấy tờ, cán bộ đưa giấy bảo mình viết tên nhưng mình không làm được, xấu hổ lắm. Khi lớp xóa mù mở ra, mình cũng muốn đi nhưng lại… sợ ma. Chồng con biết chuyện đã động viên và hứa sẽ thay nhau hộ tống nên mình yên tâm đi học”, chị Thảo kể.
“Biết chữ sướng hơn lượm được vàng”
Xã Long Sơn có khoảng 1.700 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao chiếm khoảng 94%. Trong số này, tỷ lệ mù chữ chiếm đến 1/8. Số lượng người không biết đọc, biết viết chủ yếu rơi vào các hộ nghèo và cận nghèo. Để theo học lớp xóa mù, ban ngày, người dân sắp xếp công việc đồng áng, gia đình để đêm đến là băng nương, lội suối đến lớp. Mọi khi, cứ 6 giờ tối thì vợ chồng anh Triệu Tiến Tú mới từ rẫy về, nhưng khi lớp xóa mù mở thì cả hai cùng về sớm hơn tiếng rưỡi đồng hồ.
Anh Tú lý giải: “Cái chữ quan trọng hơn, còn rẫy không làm xong hôm nay thì ngày khác làm. Về sớm để chuẩn bị cơm nước, cho heo, gà ăn đặng còn đi học. Đi trễ một phút là mất chữ, uổng lắm”.
Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên tham gia giảng dạy lớp xóa mù nhìn chúng tôi với vẻ hớn hở: “Sau khi hoàn thành lớp xóa mù 1, cơ bản các học viên đã biết đọc, biết viết thành thạo cả. Nhà báo không tin cứ kiểm tra xem”. Chúng tôi đi một vòng, tay cầm tờ giấy ghi dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” rồi đưa cho chị Vy Thị Xanh (40 tuổi, thôn Tây Sơn) đọc. Kết quả, chị này đánh vần không thiếu một từ. Tiếng vỗ tay bồm bộp của các học viên xóa mù đồng loạt vang lên.
Cũng cụm từ đó, chúng tôi lại đọc cho anh Triệu Tiến Tú viết. “Nhà báo thử tôi đó à. Không sao, viết luôn cho coi nè”, anh Tú đáp. Nói rồi, anh Tú đưa bàn tay chai sần cầm lấy cây bút bắt đầu hí hoáy. Hơn một phút, “bài kiểm tra” đã hoàn thành. Nét chữ to, đều nhưng còn hơi nguệch ngoạc. Nhiều học viên ngồi bên cạnh xúm lại bình phẩm. Có người động viên: “Mới học mà viết cũng tạm đó chứ”. Có người lại chê: “Cơ mà chữ xấu hơn tôi chút”…
Để đọc, viết thành thạo như vậy, nhiều học viên đã rất cố gắng học ngày, cày đêm. Sau khi tan học, họ lại mang sách vở ra tự học cho đến lúc gà gáy mới chịu đi ngủ. Chữ nào khó thì hỏi con hoặc chạy lên trường gõ cửa hỏi cô giáo. Có người sáng lên rẫy ngoài mang cơm nước, cào cuốc còn mang thêm sách. Nhiều người còn nhớ chuyện chị Hoàng Thị Hòi “kháng lệnh” chồng, bị chồng giận không ngủ chung gần một tuần. Đổi lại, giờ chị đã biết đọc, biết viết.
“Ổng nghĩ mình đi học theo phong trào nên ổng khuyên ở nhà. Thực ra khi biết mình “thèm” chữ thật thì chồng cũng động viên dữ lắm. Công nhận biết chữ sướng thiệt, giờ đi mua hạt giống không sợ bị nhầm nữa”, chị Hòi hớn hở. Còn chị Vy Thị Xanh, vốn một chữ bẻ đôi không biết, giờ có thể cầm quyển sổ đỏ đọc vanh vách. Chị Xanh ví von: “Cả đời tui không thèm mơ lượm cục vàng để thoát nghèo mà chỉ mơ “no” bụng chữ thôi. Giấc mơ giờ đã thành hiện thực, dù nghèo nhưng vẫn thấy sướng”.
Sẽ nhân rộng mô hình
Lớp xóa mù ở xã Long Sơn được mở xuất phát từ thực tế nhiều người dân lên xã giao dịch hành chính nhưng không biết chữ nên phải dùng tay điểm chỉ. Cũng vì mù chữ nên việc tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước đến dân còn chậm. Ông Trần Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, nhiều lần kiến nghị với Chủ tịch UBND huyện mở lớp xóa mù và được chấp thuận. Ngành giáo dục “bắt tay” với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động, lập danh sách.
Từ tháng 7 đến tháng 12-2013, lớp xóa mù Long Sơn 1 diễn ra với hơn 70 học viên không chỉ ở xã Long Sơn mà còn ở xã “hàng xóm” Đắk R’la. Từ tháng 10 năm nay, với mong muốn xóa mù hoàn toàn cho những học viên lớp xóa mù 1, ngành chức năng tiếp tục mở lớp xóa mù Long Sơn 2.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Đắk Mil cho biết: “Theo kế hoạch, việc mở lớp xóa mù nhằm mục đích giúp cho người dân học được cái chữ để ứng dụng trong cuộc sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục dạy cho đến khi nào những học viên này đọc thông, viết thạo thì mới thôi. Về cơ bản, học viên học hết lớp xóa mù 2 thì đã đọc thông viết thạo rồi”.
Đánh giá về hiệu quả của lớp xóa mù, ông Trần Xuân Hà, khoe: “Nhiều người đến xã đã tự đọc văn bản, rồi tự ký chứ không còn phải “điểm chỉ” như trước nữa. Cũng có người tự đi thi bằng lái xe máy được. Công sức và cả nước mắt anh em chúng tôi đổ ra cũng đã thu được quả ngọt”. “Nước mắt” như ông Hà nói chính là những đêm mưa gió, học viên không đến lớp nên đoàn liên ngành phải lội mưa đến tận nhà động viên. Nhiều cán bộ không may bị trượt té, tay chân bị bầm giập, nhiều người vẫn còn in lại “vết sẹo kỷ niệm”.
Khó khăn là thế, nhưng làm thế nào để dạy chữ cho những học viên vốn xuất phát điểm bằng không, để họ có thể đọc, viết thành thạo luôn là nỗi trăn trở của những người đứng lớp nơi đây. Cô Nguyễn Thị Thảo kể: “Nhiều học viên đến lớp nhưng không biết cầm viết. Chúng tôi phải mất 3 tuần liền chỉ để cầm tay, bày cho họ cách cầm viết. Các học viên được học theo chương trình sách giáo khoa toàn quốc, nhưng chúng tôi phải điều chỉnh lại giáo án cho phù hợp với nhu cầu, tâm lý để họ dễ hình dung và ứng dụng trong thực tiễn. Cũng may, các học viên say mê học chữ nên thành quả đến nhanh như vậy”.
Xã Long Sơn hiện còn khoảng hơn 150 người mù chữ. Với những kết quả bước đầu của lớp xóa mù, ông Trần Xuân Hà tự tin nói về dự định sắp tới: “Sau khi xóa mù dứt điểm cho lớp hiện tại, chúng tôi sẽ mở các lớp xóa mù tiếp theo để những người còn lại cũng biết chữ. Nếu người dân trong xã biết chữ hoàn toàn, họ sẽ ứng dụng những điều học được để làm kinh tế, nuôi dạy con cái... Sớm muộn gì thì vùng đất Long Sơn xa xôi này sẽ sớm thay da đổi thịt thôi”.
VÕ PHÚC