Ngành mầm non giáo dục Nhật Bản có 2 loại hình: mẫu giáo và nhà trẻ. Mẫu giáo do Bộ Giáo dục quản lý, thời gian giữ trẻ giới hạn trong phạm vi 4 giờ và chỉ nhận trẻ từ 3-5 tuổi, tất cả phụ huynh phải trả mức học phí như nhau. Trong khi đó, nhà trẻ là do Bộ Lao động - Y tế quản lý, thời gian giữ trẻ kéo dài hơn so với tại trường mẫu giáo và trẻ được gửi vào nhà trẻ là từ sơ sinh đến 5 tuổi. Tiền học phí được tính theo mức thu nhập của từng phụ huynh.
Mục đích của nhà trẻ là để phụ huynh đi làm không có điều kiện chăm sóc con cái gửi gắm con. Vì vậy việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ là điều bắt buộc theo quy định. Nhật Bản xác định nhà trẻ là một hệ thống hỗ trợ mang tính xã hội đối với những trẻ mà cha mẹ chúng vì phải đi làm nên không thể chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhà trẻ ở Nhật Bản rất được ngành giáo dục coi trọng và đầu tư chu đáo.
Tỷ lệ trường công và trường tư ở Nhật Bản ngang bằng nhau, thậm chí có xu hướng tăng trường tư và giảm trường công.
Theo phân tích của TS Võ Phan Thu Hương (ĐH Sài Gòn), giống như Nhật Bản, hình thái gia đình hạt nhân ở Việt Nam hiện nay ngày càng phổ biến, điều này đồng nghĩa nhu cầu gửi trẻ từ 4 tháng tuổi là rất cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tốc độ tăng dân số cơ học ở các TP, đô thị lớn ngày ngày nhanh (trẻ con Nhật Bản thì ngày càng ít đi).
Cùng với việc bùng nổ dân số là sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách về cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ lại luôn đi sau tỷ lệ tăng dân số.
Trẻ mầm non cần được chăm sóc, nhưng ngân sách ngành giáo dục chi cho mầm non lại quá thấp, chỉ chiếm 8,5%. Việc xây dựng, mở mang khu dân cư mới lại quên dành quỹ đất xây dựng trường mầm non tại địa phương.
Trong khi Nhật Bản cực kỳ chú trọng chất lượng nhà trẻ thì chúng ta lại thả nổi. Các trường mầm non công lập Việt Nam không nhận trẻ 6 tháng tuổi, các nhóm lớp dành cho trẻ dưới 36 tháng rất ít.Điều này mâu thuẫn với quy định chế độ thai sản chỉ cho phép phụ nữ nghỉ 4 tháng khi sinh con. Vì vậy, nhiều phụ huynh phải tìm đến nhà trẻ, mà nhà trẻ thì thiếu an toàn và chất lượng kém.
Nhìn từ giáo dục mầm non Nhật Bản, ngành giáo dục mầm non Việt Nam cần xem xét lại hình thức nhà trẻ, ưu tiên nhận trẻ có độ tuổi nhỏ có cha mẹ cùng đi làm, đặt vấn đề nuôi dưỡng làm trọng tâm.
Từ kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non và chất lượng đào tạo giáo viên mầm non của Nhật Bản, bà Hương đề xuất Việt Nam cần có chính sách khuyến khích giáo viên mầm non phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu thực tiễn và định hướng phát triển giáo dục mầm non, mời các giáo viên mầm non có kinh nghiệm tham gia giảng dạy trong công tác thực hành ở các trường đào tạo giáo viên mầm non, chứ không nhất thiết phải là giảng viên của các trường ĐH.
NGUYỄN THỦY