Học giả Đức phê phán hành động của Trung Quốc ở biển Đông

Hội thảo khoa học “Xung đột ở biển Đông” vừa diễn ra ở trụ sở báo Die Tageszeitung (TAZ) tại Berlin (Đức) đã thu hút sự tham gia của khoảng 40 học giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và sinh viên của Đức... Nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và chính trị Đức, Tiến sĩ Gerhard Will cho rằng những diễn biến gần đây như việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa cùng với trước đó là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm tình hình khu vực gia tăng căng thẳng trở lại.

Theo chuyên gia này, hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông cũng như củng cố, mở rộng một số đảo như đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Liên quan việc Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường mạnh tiềm lực quốc phòng, đặc biệt với hải quân, Tiến sĩ Will nhận định điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực cả ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Trong khi đó, Tiến sĩ Andreas Seifert - chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội Nghiên cứu quân sự Tuebingen của Đức, đã đi sâu đánh giá về yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông và cách thức tuyên truyền của Trung Quốc đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép ở biển Đông. Theo tác giả, yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý xét cả về mặt pháp lý và địa lý, cố tình tạo sự mập mờ cho cả dư luận nước này và dư luận quốc tế. Giáo sư, Tiến sĩ chính trị học Howard Loewen thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình Hamburg cho rằng, để bảo đảm ổn định tình hình biển Đông cần có sự cân bằng quyền lực ở khu vực, trong đó các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Australia phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối các yêu sách của Trung Quốc và tăng cường những ảnh hưởng cần có ở khu vực này.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục