Học làm kỵ sĩ

Học làm kỵ sĩ

Ở thành phố hiện nay thiếu nhiều sân chơi dành cho trẻ, khiến các em dễ bị stress. Thế nên, một dịch vụ dạy cho các em trở thành những kỵ sĩ ra đời. Đây được xem là loại hình sinh hoạt mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, vì đây là môn thể thao tạo cho các em sự năng động, tự tin và bản lĩnh.

Lần đầu tiên đến “trường” dạy cưỡi ngựa (quận 2, TPHCM), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt bạn là nơi đây chẳng khác nào một trang trại nuôi ngựa! Tuy nhiên, tiếng ngựa hí vang ngạo nghễ, tiếng vó ngựa lộp bộp khiến cho bạn cảm thấy rộn ràng. Chưa hết, bạn sẽ nghe các học viên hò reo thích thú khi một kỵ sĩ thực hiện “pha” phi mã ấn tượng, nhưng cũng có tiếng la “a… á…” của một kỵ sĩ vừa… té ngựa! Bên cạnh đó là giọng của huấn luyện viên - người nước ngoài trực tiếp giảng dạy - hướng dẫn từng động tác cho học viên khi điều khiển ngựa. Đặc biệt, khi vài em nhỏ thực hiện phi ngựa qua rào cản, hình ảnh chú ngựa tung vó qua rào thật ấn tượng, làm cho ai xem cũng thích thú. “Pha” này người mới học hoặc chưa biết cưỡi ngựa thì thấy hồi hộp, mạo hiểm, nhưng khi cưỡi thuần thục rồi thì thấy rất thú vị.

Các kỵ sĩ nhí đang thực hành.

Các kỵ sĩ nhí đang thực hành.

Ở đây có nhiều độ tuổi theo học làm cưỡi ngựa nhưng phần đông là các em nhỏ. Học viên từ 5 tuổi trở lên đã có thể đăng ký tham gia. Trước khi tham gia vào lớp học, mỗi học viên sẽ được huấn luyện viên tư vấn và chọn cho một chú ngựa phù hợp để làm bạn cho quen dần.

Một "pha" phi mã ấn tượng của học viên.

Một "pha" phi mã ấn tượng của học viên.

Các giống ngựa ở đây chủ yếu được mang về từ Đà Lạt, Biên Hòa và trường đua Phú Thọ. Mỗi buổi học kéo dài một giờ, giá 300.000 đồng/giờ. Trước khi vào sân tập, học viên phải đội nón bảo hiểm, mang giày cao cổ. Huấn luyện viên sẽ trực tiếp kiểm tra và quyết định có cho học viên vào sân tập hay không. Nếu không tuân thủ, các kỵ sĩ có thể bị những chú ngựa ương bướng cho “hạ mã” như chơi.

TRANG THÚY

Tin cùng chuyên mục