Học một chữ chuyên

Thể thao Việt Nam nói chung hay bóng đá nói riêng vẫn đang chập chững học làm chuyên nghiệp, từ chiến lược đầu tư cho đến cách thức tổ chức và điều hành những sự kiện thuộc lĩnh vực họ quản lý. Lâu nay chữ “chuyên nghiệp” vẫn thường dùng cho bóng đá, họa hoằn lắm là một số môn đang nỗ lực thực hiện như bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, dù trên thực tế chưa có điều gì chỉ ra rõ ràng rằng tính chuyên nghiệp đang tồn tại.

Thể thao Việt Nam nói chung hay bóng đá nói riêng vẫn đang chập chững học làm chuyên nghiệp, từ chiến lược đầu tư cho đến cách thức tổ chức và điều hành những sự kiện thuộc lĩnh vực họ quản lý. Lâu nay chữ “chuyên nghiệp” vẫn thường dùng cho bóng đá, họa hoằn lắm là một số môn đang nỗ lực thực hiện như bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, dù trên thực tế chưa có điều gì chỉ ra rõ ràng rằng tính chuyên nghiệp đang tồn tại.

Thế cho nên, khi nảy sinh rắc rối như chuyện Hội cổ động viên của CLB Than Quảng Ninh phản ứng gay gắt và thậm chí đòi tẩy chay V-League 2016 sau tuyên bố cấm sử dụng loa điện, dàn âm thanh khi đến sân cổ vũ từ phía Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), giới chức đã khá bối rối với chính kỹ năng “xử lý khủng hoảng” của mình.

Vẫn biết VPF có quyền trong phạm vi của một đơn vị tổ chức các giải đấu bóng đá tại Việt Nam, nhưng nếu quy định được đưa ra từ trước khi mùa bóng khởi tranh, chuyện có thể đã khác. Chắc chắn Ban tổ chức các sân, Hội CĐV các đội bóng buộc phải tôn trọng và tuân thủ luật chơi theo cách nghiêm túc nhất. Đằng này, quy định chỉ ra đời sau khi phát sinh tình huống không kiểm soát được, thì VPF bị quy kết rằng đã chủ quan và cứng nhắc trong tổ chức, điều hành hoạt động bóng đá âu cũng là điều dễ hiểu.

Nên nhớ, các CLB tại V-League và kể cả hạng nhất đều có Hội CĐV - gọi thân mật là “cầu thủ thứ 12” - được thành lập đúng quy định, được xem là nguồn động viên tinh thần lớn nhất đối với mỗi đội bóng, đồng thời góp phần tạo nên sự hứng khởi cho không khí bóng đá ở Việt Nam - tức là họ đã được thừa nhận. Vấn đề ở đây, khi VPF xử lý rắc rối, cũng nên cân nhắc kỹ và giải thích rõ ràng để CĐV không cảm thấy mình bị coi thường và thiếu tôn trọng, giống như những gì Hội CĐV của đội bóng Than Quảng Ninh vừa gửi thư kiến nghị lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), VPF và cho cả nhà tài trợ Toyota.

Thể thao Việt Nam, trong đó có bóng đá, luôn cầu thị đón nhận sự vận động liên tục và tích cực của thế giới. Có điều, cách thức vận dụng vào chiến lược phát triển cụ thể thì chưa được như những bạn bè thân quen là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã và đang làm trong phạm vi của những sự kiện thể thao lớn như Olympic, Asiad hay SEA Games. Không chỉ bóng đá, những môn như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông cũng có CĐV sát cánh - thậm chí rất đông đảo, nhưng nhờ tổ chức tốt, mọi thứ trôi đi khá suôn sẻ.

Ở Việt Nam, hình ảnh đẹp của các CĐV đội bóng rổ Saigon Heat, của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam luôn được tôn vinh, vì họ cổ vũ có văn hóa, không quá trớn và rất biết cách động viên tinh thần của VĐV trên sân đấu. Điều đó thường thấy ở giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á mà CLB Saigon Heat đang chơi, ở VTV Cup khi các “chân dài” bóng chuyền so tài cùng Thái Lan, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản…

Giữ lửa cho các khán đài là nhiệm vụ của CĐV được xây dựng lớp lang, nhưng cũng là trách nhiệm của nhà tổ chức, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ thi đấu tận tâm, tận lực của VĐV, bởi lẽ đấy là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành một giải đấu hay một nền thể thao chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt Nam gần đây liên tiếp xảy ra những sự cố về trọng tài, nạn bạo lực trên sân cỏ, tranh cãi giữa CĐV và nhà điều hành khiến hình ảnh của môn chơi vốn được xem là “thể thao vua” ít nhiều bị ảnh hưởng, dễ trở thành đề tài đàm tiếu của giới mộ điệu. Nhưng điều đáng thắc mắc là vai trò giám sát của bộ môn, của Tổng cục TDTT đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp (tức Liên đoàn thể thao) đã và đang ở đâu trong chiến lược chấn hưng nền thể thao, từng bước vươn đến cuộc chơi chuyên nghiệp?

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục