Từ các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề phim với đạo diễn Phillip Noyce ở TPHCM vào cuối tháng 5, vừa qua, giới làm phim trẻ Việt Nam đã tìm cơ hội “thọ giáo 3 ngày” với ông Dov Simens, “giảng viên số 1 Hollywood”.
Hãy quên “ngoáo ộp Hollywood”
Với hình thức giảng dạy, trao đổi (workshop) về chương trình đường vào nghề phim từ khâu sản xuất, viết kịch bản, quay phim, đầu tư tài chính và quảng bá, phát hành phim, Dov Simens trình bày khá bài bản, hấp dẫn. Kinh nghiệm truyền thụ của ông vừa mang tính tổng thể vừa có điểm nhấn trọng tâm, đi sâu những chi tiết cụ thể, thiết thực.
Lâu nay, sự có mặt tràn ngập của các thể loại phim Mỹ và những bộ phim mệnh danh “bom tấn” xuất hiện trên màn ảnh rộng khắp thế giới đã chứng minh sự thành công từ nguồn lợi nhuận khổng lổ của cường quốc điện ảnh Mỹ, cùng với tên tuổi các hãng phim và hệ thống phát hành phim tầm cỡ: Paramount Pictures, Sony Pictures, 20th Century Fox, Universal Pictures, Warner Brothers, Walt Disney Studios… Thế nhưng, lời khuyên của ông Dov Simens đối với những nhà làm phim Việt Nam là hãy quên đi hình ảnh “con ngoáo ộp Hollywood” và hãy nhìn vào hoàn cảnh thực tế của đất nước mình để có những dự án làm phim thích hợp, hiệu quả.
Bắt đầu cho công việc làm phim là sự tính toán thật cẩn trọng từ tìm nguồn tài chính sản xuất cho đến mời các ê-kíp làm phim chuyên nghiệp. Một công thức của giới làm phim Hollywood được ông nhắc lại nhiều lần: nên bắt tay với cuốn phim 90 phút/kịch bản 90 trang và phải coi đó là việc kiếm ra tiền từ điện ảnh chứ không phải là câu chuyện thử nghiệm nghệ thuật một cách viễn vông!
Dov Simens chia sẻ kinh nghiệm khi nhắc lại tình hình điện ảnh Hàn Quốc cách đây hơn 15 năm, thời điểm đầu tiên ông đến Seoul giảng dạy chương trình học làm phim ngắn ngày tương tự như đang ở TPHCM. Giờ đây, phim Hàn tâm lý tình cảm trở nên quen thuộc với khán giả nhiều nước nhưng ít ai nhớ đến sự mày mò ban đầu của giới làm phim Hàn Quốc chính ra là phim kinh dị!
Thái Lan được coi là một quốc gia có cơ sở hoạt động làm phim tương đối chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung những kịch bản điện ảnh Thái Lan vẫn chưa cho thấy cách kể chuyện phim hấp dẫn. Việt Nam sẽ rút ra được kinh nghiệm này. Một vấn đề khác, giờ đây trong mắt các nhà làm phim nước ngoài ít nhiều đã thay đổi, họ đang nghĩ: Việt Nam, điểm đến đầy tiềm năng làm phim.
Làm phim là kinh doanh
Nhà văn - nhà biên kịch trẻ Phạm Tường Vân cho rằng, dự án mời ông Dov Simens đến Việt Nam của Võ Tài, một sinh viên Việt kiều Mỹ với sự hưởng ứng hợp tác của Công ty MFC đã tạo nên cầu nối khá tốt cho giới làm phim Việt Nam. Nhiều người đã “vỡ ra” những ý tưởng mới qua cách “bắt bệnh” chính xác về tình hình điện ảnh Việt Nam của ông. Cùng với nhóm đông học viên thuộc đơn vị truyền hình kỹ thuật số AVG, Yến Hằng cho rằng những bài học khá bài bản, hiện đại rất có ích cho những người khởi nghiệp vào nghề phim.
Với quan niệm hết sức thực tế thể hiện qua sự truyền thụ, Dov Simens đề cập nguyên tắc kiếm tiền qua việc làm phim là điều tiên quyết. Tức là coi việc làm phim là một mô hình kinh doanh (trong đó bản thân bộ phim là sản phẩm). Ngoài ra, việc quảng cáo sản phẩm một cách bài bản, hiệu quả cần được lưu ý; bởi hình như Việt Nam vẫn chưa coi đây là một vấn đề bức thiết và thường bỏ qua cách quảng bá phim một cách đa dạng, hiệu quả đến công chúng vì thiếu chiến lược đầu tư ban đầu!
Ở góc cạnh diễn xuất, nữ diễn viên Hoài An tâm sự tuy chị đã đóng nhiều phim nhưng đây mới là cơ hội để người nghệ sĩ tìm hiểu thấu đáo về chuyện nghề một cách toàn diện, mới mẻ và so sánh các quy trình làm phim giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Biết người, biết ta!
Học từ nền điện ảnh nước nhà và tiếp thu công việc làm phim của Mỹ với mong muốn điện ảnh Việt Nam sớm chuyên nghiệp hóa là tâm tư chung của những nhà làm phim trẻ. Không riêng họ, giới truyền thông, quảng cáo cũng tham gia; và đặc biệt, sự có mặt của những luật sư tại lớp học cho thấy ngành luật đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề pháp lý, bản quyền tác phẩm của nền công nghệ giải trí Việt Nam trong tương lai.
KIM ỬNG