Học sinh hành xử bạo lực xuất phát từ căng thẳng trong học tập

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây xuất phát từ những căng thẳng trong học tập.
Sáng 7-11, tại Hội nghị chuyên đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Sở Lao động Thương binh - Xã hội tổ chức, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây xuất phát từ những căng thẳng trong học tập.
Theo đó, học sinh thường gặp một số khó khăn về tâm lý trong học tập, cảm thấy buồn chán, áp lực nặng nề hoặc khó khăn trong các mối quan hệ, muốn được khẳng định bản thân. Khi trải qua căng thẳng, các em có nguy cơ không kiểm soát được hành vi, từ đó dẫn đến các hành động bạo lực. 
Riêng đối với vấn đề đang "nóng" thời gian qua là tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, nhiều trẻ tham gia bắt nạt người khác trên mạng xã hội lại chính là những trẻ thường xuyên bị bắt nạt tại trường học.
"Do ngoài đời thật bị bạn bè bắt nạt nên các em có khuynh hướng lây lan cảm xúc, trở thành người đi bắt nạt người khác trên môi trường ảo, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc", chuyên gia này cho biết.
Học sinh hành xử bạo lực xuất phát từ căng thẳng trong học tập ảnh 1 Học sinh tham gia buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)
Hiện nay, trẻ em đang sống trong một hệ sinh thái gồm 3 chủ thể. Trong đó, trẻ bị ảnh hưởng bởi gia đình; gia đình bị ảnh hưởng bởi cộng đồng và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xã hội.
Nhiều nghiên cứu khoa học trước đây cho thấy, con người có 3 mức nhận thức gồm: vô thức (hành động theo bản năng), ý thức (nhận thức đúng - sai, nên - không nên) và tiềm thức (làm mà không biết tại sao mình sai)...
Một nghiên cứu về "Thực trạng vấn đề trường học và nhu cầu phát triển đội ngũ nhân viên xã hội trường học" do tác giả Nguyễn Hiệp Thương và các cộng sự tổ chức thực hiện năm 2015 cho biết, có đến 67,7% học sinh THCS và THPT nghiện game và mạng xã hội. Tiếp đến, một số vấn đề đa số học sinh gặp phải như học kém (61,3%), bạo lực học đường và vô lễ với thầy, cô giáo (51,6%)...
Từ thực tế đó, ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong giai đoạn 2020-2025 là tăng cường trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và kỹ năng phòng vệ cho học sinh các bậc học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng tăng cường thực hiện nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ và đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập và tư thục.

Tin cùng chuyên mục