Học sinh trưởng thành hơn qua dự án khởi nghiệp

Tận dụng vật liệu bỏ đi để chế tạo đồ dùng có giá trị, lồng ghép kiến thức vào các trò chơi dân gian hay tận dụng ứng dụng công nghệ để chăm sóc sức khỏe người dân… là 3 trong số các dự án nghiên cứu vừa đoạt giải cao tại vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Vận dụng kiến thức vào thực tiễn

Dự án “Bioplastic - Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” do nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) thực hiện xuất phát từ ý tưởng tận dụng các phế phẩm nông nghiệp tạo ra vật liệu mới thân thiện với môi trường. Bạn Vũ Thị Hồng Minh, học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu - một trong các thành viên tham gia dự án, cho biết, nhóm thực hiện đề tài đã tận dụng phần khoai lang bỏ đi, phơi khô để lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác tạo ra nhựa sinh học. Từ vật liệu mới này, nhóm tiếp tục tạo ra các bộ trò chơi như cờ vua, cờ tướng, chậu cây handmade (vật dụng làm thủ công)…

Trước đó, học sinh đã thu mua khoai lang với giá rẻ ở các chợ đầu mối, bã mía từ các nhà máy và doanh nghiệp sản xuất đường, bã cà phê tại các chuỗi quán cà phê. Dự án ra đời với mong muốn mang đến cái nhìn tích cực hơn cho mọi người về sử dụng các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thay thế dần vật dụng làm từ nhựa truyền thống.

y4a-4597.jpg
Một dự án của học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) đoạt giải nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023. Ảnh: MINH QUÂN

Tương tự, với dự án “Mercury - Học tập và trải nghiệm hóa học hiệu quả trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) muốn tạo ra một phương tiện học tập mới lạ, hấp dẫn, hỗ trợ việc ghi nhớ kiến thức của học sinh.

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, Tổ trưởng chuyên môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, chia sẻ, ý tưởng bắt đầu khi học sinh học chương “Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học” trong chương trình Hóa học lớp 10, các em tiếp thu kiến thức khá thụ động qua các ví dụ hoặc bài tập giáo viên đưa ra. Nhằm tạo hứng thú cho học sinh, nhóm thực hiện đề tài đã lên ý tưởng thiết kế các boardgame (trò chơi trên bàn cờ) và website hỗ trợ học tập. Trong đó, kiến thức được khéo léo lồng ghép vào các trò chơi thông qua hình ảnh minh họa trực quan sinh động. Nhờ đó, môn học trở nên gần gũi, nhẹ nhàng, có tính thực tiễn cao chứ không đơn thuần là kiến thức trong sách giáo khoa.

Đặc biệt, dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận diện vết cắn côn trùng” của học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) được đánh giá cao về tính ứng dụng và sáng tạo. Dù ở độ tuổi học sinh trung học phổ thông, nhưng các em đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế. Theo đó, chỉ cần thiết bị điện thoại di động có kết nối internet, người dùng có thể quét hình ảnh vết cắn côn trùng để được chẩn đoán mức độ nguy hiểm, giải pháp sơ cứu, đồng thời gợi ý nơi mua thuốc điều trị. Ứng dụng thể hiện sự quan tâm của học sinh đối với các vấn đề xã hội, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, đóng góp cho cộng đồng.

Phát triển năng lực học sinh

Trong vai trò giáo viên hướng dẫn dự án nghiên cứu của học sinh, thầy Lê Văn Nam, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết, việc tham gia nghiên cứu không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn biết vận dụng linh hoạt vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, học sinh còn được rèn luyện nhiều kỹ năng khác như thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ thông tin, viết báo cáo, phản biện… giúp ích cho sự phát triển sau này của các em.

Ở góc độ khác, theo cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, việc định hướng khởi nghiệp cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp mang lại nhiều lợi ích cho bản thân các em và cộng đồng thông qua việc tạo ra các sản phẩm có giá trị, nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư để dự án có thêm điều kiện hoàn thiện, sớm được ứng dụng vào đời sống.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhận định, hiện nay, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu các ngành nghề lao động trong xã hội lồng ghép trong nhiều môn học. Đối với các cấp THCS và THPT, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên hơn thông qua nhiều hoạt động đa dạng như nghiên cứu khoa học, cuộc thi khởi nghiệp… Đây là một trong những tín hiệu tích cực thể hiện sự lan tỏa của phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh thành phố.

“Trong bối cảnh cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đang hội nhập sâu rộng, bùng nổ công nghệ thông tin, tinh thần khởi nghiệp chính là chìa khóa giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn về kỹ năng, kiến thức, qua đó giúp các em thành công hơn trong tương lai”, ông Dương Trí Dũng bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục