Hỏi - Đáp

- Do khủng hoảng kinh tế, công ty chúng tôi lỗ liên tục, chúng tôi phải chuyển lỗ như thế nào?

Nguyễn Mỹ Châu, Hóc Môn, TPHCM

>> Bà TRẦN THỊ LỆ NGA, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM: Các khoản lỗ phát sinh từ năm 2009 trở đi thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo trong thời gian không quá 5 năm.

Các trường hợp chuyển lỗ từ năm 2008 trở về trước còn trong thời hạn chuyển sang năm 2009 mà doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế, và có ngành không ưu đãi thuế thì doanh nghiệp hạch toán riêng lỗ của từng hoạt động kinh doanh và chuyển lỗ tương ứng đối với thu nhập của từng hoạt động kinh doanh.

Sau khi chuyển lỗ như thế mà vẫn còn lỗ thì được bù trừ số lỗ vào hoạt động kinh doanh còn thu nhập do doanh nghiệp tự lựa chọn. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được số lỗ của từng hoạt động kinh doanh thì phân bổ số lỗ của từng hoạt động theo tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu từng hoạt động so với tổng doanh thu của toàn doanh nghiệp của năm phát sinh lỗ để chuyển lỗ.

Các hoạt động chuyển lỗ nêu trên không bao gồm chuyển lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Nếu hoạt động chuyển nhượng bất động sản bị lỗ thì khoản lỗ này được chuyển vào thu nhập của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm sau (nếu có). Thời gian chuyển lỗ tối đa không quá 5 năm liên tục, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

- Doanh nghiệp chúng tôi muốn lập quỹ dự phòng tiền lương thì được trích bao nhiêu quỹ tiền lương và phải đóng thuế với khoản tiền dự phòng không?

Hoàng Thảo Mi, quận 7, TPHCM

>> Tiết c điểm 2.5 mục IV Phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008, đã quy định mức trích lập lập quỹ dự phòng tiền lương của doanh nghiệp không quá 17% quỹ tiền lương (tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm). Số tiền này là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Việc trích lập dự phòng theo quy định nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc số tiền trích lập dự phòng và tổng số tiền lương, tiền công thực tế đã chi trả đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán không vượt quá tổng tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động theo định mức tiền lương đã được duyệt (nếu có).

Đối với phần trích lập dự phòng tiền lương của năm trước nhưng đến thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm nay, doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì doanh nghiệp phải hoàn nhập và ghi giảm chi phí của năm nay.

Tin cùng chuyên mục