(SGGP). – Hôm qua, 24-10, tại Hà Nội, các bộ trưởng nông lâm ASEAN và các bộ trưởng nông nghiệp các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp lần thứ 8 (AMAF+3) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Cao Đức Phát.
Tại hội nghị, trước bối cảnh giá lương thực và năng lượng trên thế giới biến động mạnh trong thời gian gần đây, các bộ trưởng tham dự đều bày tỏ sự ủng hộ việc tăng cường hơn nữa an ninh lương thực trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3. Các bộ trưởng cũng nhận định, an ninh lương thực là một nhân tố then chốt đối với sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững trong khu vực.
Bên cạnh đảm bảo an ninh lượng thực, các bộ trưởng cũng tái khẳng định yêu cầu các quốc gia trong khu vực cần phải bảo tồn môi trường tự nhiên và truyền thống văn hóa - xã hội của các cộng đồng cư dân nông thôn, trong khi vẫn thúc đẩy phát triển bền vững các ngành nông, lâm, thủy sản cũng như đảm bảo ổn định cung ứng lương thực. Đồng thời, các bộ trưởng đã hoan nghênh tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các hoạt động mới của giai đoạn 2 dự án hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN.
Cũng trong hội nghị lần này, sau khi bàn bạc, thảo luận, các bộ trưởng đã đi đến thống nhất chung là tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động của dự án thí điểm Quỹ gạo cứu trợ khẩn cấp Đông Á (viết tắt là EAERR) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai và mở rộng dự án thí điểm này đến tháng 2-2010.
Trước đó, vào ngày 23-10, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng nông lâm ASEAN lần thứ 30. Một trong những nội dung quan trọng mà các bộ trưởng trong khu vực ASEAN nêu ra là cần thiết phải có sự cân đối giữa an ninh lương thực dài hạn và cải thiện sinh kế của nông dân trong khu vực. Trong đó, mục tiêu then chốt là giải quyết vấn đề “đầu vào” trong sản xuất nông nghiệp.
Các bộ trưởng cũng đã phê chuẩn những tiêu chuẩn và kế hoạch ASEAN như: hướng dẫn về kiểm dịch thực vật cho nhập khẩu gạo; hạn mức tối đa đối với dư lượng 9 loại thuốc bảo vệ thực vật; tiêu chuẩn chung ASEAN đối với ổi, bòn bon, quýt, măng cụt và dưa hấu; tiêu chuẩn đối với vaccine vô hoạt E.Coli trên gia cầm, tiêu chí đối với việc cấp chứng chỉ cho cơ sở chế biến thịt; ứng phó với tác động của thay đổi khí hậu; hướng tới quản lý rừng bền vững…
Cuối cùng, các bộ trưởng tham dự hội nghị đã nhất trí tổ chức Hội nghị AMAF lần thứ 31 và Hội nghị AMAF+3 lần thứ 9 tại Brunei Darussalam vào năm 2009.
PH.HẬU