Sáng 29-5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã khai mạc tại Cung Hòa Bình với sự tham dự của 10 nước thành viên, dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN đương nhiệm.
Ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức ADMM+, thống nhất tăng tần suất tổ chức ADMM+ từ 3 năm/lần lên 2 năm/lần kể từ sau ADMM+ lần thứ 2 tại Brunei. Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã ký Tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của ADMM và ADMM+ trong thúc đẩy hợp tác thiết thực và can dự giữa ASEAN với các nước đối tác về các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh có ảnh hưởng tới khu vực.
Tuyên bố chung cũng tiếp tục tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở biển Đông theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)
Các nước đều nhất trí rằng, cần tăng cường hợp tác quốc phòng nội khối cũng như với các nước đối tác để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN vào năm 2015 và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ đánh giá và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc phòng-an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, xu thế chính của thế giới hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Về tình hình Đông Nam Á, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, khu vực nhìn chung vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ.
Kiềm chế, đối thoại giải quyết tranh chấp
Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, các bên phải bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trước mắt, các bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Bên cạnh đó, các nước cần xây dựng lòng tin, phòng ngừa xung đột bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như đa phương trong cơ chế ADMM và ADMM+. Tuy nhiên, khi tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, ASEAN phải giữ được vai trò chủ đạo.
“Vấn đề tranh chấp trên biển do lịch sử để lại còn phải giải quyết lâu dài thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói. Bên cạnh đó, khi xảy ra tình huống khó khăn, hai bên trao đổi đặc phái viên và lãnh đạo cấp cao hai nước gặp gỡ để giải quyết vấn đề, tránh xảy ra xung đột. Ngoài ra, cũng cần chú ý quản lý các phương tiện truyền thông, không để các cơ quan báo chí đăng tải những bài viết có tính chất kích động, chia rẽ quan hệ hai nước, làm phức tạp thêm tình hình.
Hãng AFP ngày 29-5 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết Manila và Bắc Kinh đã thống nhất sẽ kiềm chế, không để căng thẳng leo thang tại khu vực bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp. Kết quả này đến sau cuộc gặp ngắn giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ngày 28-5 tại Phnom Penh. Theo ông Gazmin, hai bên đã đồng ý 3 điểm: kiềm chế hành động, kiềm chế tuyên bố không để leo thang căng thẳng và tiếp tục đối thoại cởi mở cho đến khi tìm được giải pháp hòa bình cho vấn đề này. |
ĐỖ VĂN (tổng hợp)