Ngày 19-11, tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN và các đối tác nhằm thảo luận các biện pháp và hành động tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong tương lai. Dư luận nhận định các bên khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế diễn ra khá tốt, thậm chí ASEAN và các nước Đông Á chuẩn bị đàm phán về Hiệp ước tự do thương mại. Tuy nhiên vấn đề biển Đông vẫn chưa có sự đồng thuận.
15 năm hợp tác hiệu quả ASEAN+3
| |
Tham dự hội nghị có lãnh đạo 10 nước ASEAN do Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia Hun Sen dẫn đầu cùng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Trước khi khai mạc hội nghị, một bộ phim tài liệu về các thành tựu hợp tác ASEAN+3 đã được chiếu nhân kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Hun Sen cho biết hội nghị được tiến hành để đánh giá tiến trình hợp tác ASEAN+3, những xu hướng hợp tác trong tương lai của ASEAN+3 cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Hun Sen nói: “Trong suốt 15 năm qua, các nước ASEAN+3 đã tiến hành hợp tác sâu rộng hơn từ chính trị, an ninh đến kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, kết nối và các vấn đề văn hóa - xã hội. Chúng ta hài lòng với những thành tựu rực rỡ trong mọi lĩnh vực hợp tác ASEAN+3”.
Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 là hội nghị cấp cao giữa ASEAN với từng đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Tầm quan trọng của DOC
Vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận là tình hình biển Đông. Sau phiên họp của Hội nghị ASEAN+Trung Quốc lần thứ 15, hai bên đưa ra Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) gồm 9 điểm, theo đó khẳng định DOC là văn kiện quan trọng, thể hiện cam kết chung của các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc về thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau ở biển Đông. Tiếp tục khuyến khích các bên liên quan giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS; cùng hợp tác tiến tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Hội nghị ASEAN+Mỹ ra tuyên bố chung theo đó tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện quan hệ đối tác tăng cường ASEAN-Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng giai đoạn 2011-2015. Mỹ khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông và Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN.
Trong khi đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Thủ tướng Noda đã tuyên bố với các nước thành viên ASEAN rằng những vấn đề liên quan biển Đông đang là “mối quan tâm chung của quốc tế”.
Theo AFP, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết đoàn Philippines đã gửi thư đến các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định ASEAN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc “không quốc tế hóa” vấn đề biển Đông.
Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen với vai trò đương kim Chủ tịch ASEAN cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận rằng “không quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp trên biển Đông đồng thời chỉ hạn chế các cuộc đàm phán về vấn đề này trong khuôn khổ giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo AFP, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng đã phản bác tuyên bố này.
Liên quan đến COC, Reuters đưa tin tại Hội nghị ASEAN+Trung Quốc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với các nước ASEAN rằng thương lượng về tranh chấp biển Đông không nên được “quốc tế hóa”. người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho rằng Trung Quốc muốn tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại cấp thấp như hiện nay về các vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
THỤY VŨ (tổng hợp)