Hội nghị Đập lớn thế giới tại Việt Nam coi trọng sự hài hòa về nguồn nước

(SGGPO).- Sáng 25-5, Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Hội Đập lớn thế giới đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Hơn 800 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nhân đến từ 90 quốc gia là thành viên của Hội Đập lớn thế giới đã tới Việt Nam tham dự. 

(SGGPO).- Sáng 25-5, Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Hội Đập lớn thế giới đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Hơn 800 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nhân đến từ 90 quốc gia là thành viên của Hội Đập lớn thế giới đã tới Việt Nam tham dự. 

Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam - đây là lần đầu tiên Việt Nam được chọn để đăng cai tổ chức hội nghị thường niên của Hội Đập lớn thế giới, đồng thời cũng là lần đầu tiên một hội nghị lớn về ngành thủy điện, thủy lợi được tổ chức ở Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việt Nam có diện tích 330.000km². Lịch sử dựng nước của nhân dân Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, xây dựng các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Cũng nhờ có hàng trăm hệ thống sông lớn nhỏ nên tổng lượng dòng chảy của Việt Nam hằng năm đạt khoảng 843 tỷ m³, với tiềm năng thủy điện khoảng 85.000 GWh/năm.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển điện năng, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm tới thủy điện, nhiều nhà máy thủy điện lớn đã và đang được xây dựng như Hòa Bình, Yaly, Sơn La… Cùng với việc phát triển các đập thủy điện, Việt Nam hết sức chú trọng kỹ thuật vận hành các hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện, kết hợp hài hòa giữa phát điện với các mục tiêu cắt giảm lũ cho hạ lưu, cấp nước cho sản xuất và cải thiện môi sinh, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Việt Nam cũng thừa nhận và thực hiện các nguyên tắc quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước để đảm bảo các phúc lợi về kinh tế, xã hội, đảm bảo công bằng và không gây tác hại đối với sự bền vững của hệ sinh thái quan trọng. 

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, khoảng 60% tổng lượng nước mặt của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, nhiều dòng sông chảy đến Việt Nam từ các nước và cũng nhiều dòng sông chảy từ Việt Nam sang các nước. Việt Nam luôn coi trọng luật pháp quốc tế về sử dụng các nguồn nước, vì lợi ích chung của nhân dân các nước, tôn trọng sự hợp tác với các nước vì mục đích khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước trên các dòng sông quốc tế. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc hội nghị thường niên của Hội Đập lớn thế giới được tổ chức tại Việt Nam lần này đã chọn chủ đề là “Đập và sự phát triển bền vững tài nguyên nước” với các nội dung quan trọng được nêu ra như quy hoạch nguồn nước, giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán, xây dựng và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước...

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, đây là dịp để các nước cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật an toàn hồ đập gắn liền yêu cầu đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nguy cơ suy thoái nguồn nước và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

PHÚC HẬU

Bên lề hội nghị, ông Jia Jinsheng, Chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới và ông Nguyễn Hồng Toàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông kiêm ủy viên Ban Thư ký Hội Đập lớn Việt Nam đã trao đổi với báo chí về việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong.

- Quan điểm của ông như thế nào về việc Trung Quốc đầu tư xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và Hội Đập lớn thế giới có thông điệp gì với Chính phủ Trung Quốc về việc tham gia Ủy hội sông Mekong?

Ông JIA JINSHENG: Về việc xây dựng những con đập trên sông Mekong là những thông tin đã được công khai, không có ai giấu cả. Điều mà nhiều người lo ngại là sự ảnh hưởng của những con đập tới nguồn nước và dòng chảy sông Mekong. Tôi nghĩ rằng đã có những cuộc thảo luận, cơ chế phối hợp giữa Chính phủ Trung Quốc và Ủy hội sông Mekong để có thể có những cách quản lý tốt về nguồn nước trong thời gian tới. Theo tôi, tất cả các nước có dùng chung con sông này phải tăng cường đầu tư, hợp tác hơn nữa để đảm bảo việc sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước của con sông này.

- Chúng ta đã có những bước đàm phán như thế nào để đảm bảo việc sử dụng hài hòa và bền vững nguồn nước của sông Mekong?

Ông NGUYỄN HỒNG TOÀN: Thông qua đối thoại, các chuyên gia mô hình của Việt Nam đã tiếp xúc với các chuyên gia mô hình Trung Quốc để tính toán chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong có ảnh hưởng như thế nào đối với dòng chảy của sông Mekong và hạ du. Hiện nay, hai nhóm chuyên gia đã gặp nhau, trao đổi cởi mở, nhờ đó có thể đánh giá chính xác tác động của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Đồng thời, hiện các nước trong lưu vực sông Mekong cũng đã ký một văn bản pháp lý quan trọng. trong đó đặt ra những điều kiện như xây dựng công trình gì, các đập thủy điện có tác động như thế nào tới nguồn nước và làm sao để duy trì dòng chảy chính của sông Mekong.

- Có ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu nước ở hạ lưu sông Hồng cũng như hệ thống sông Cửu Long hiện nay, chúng ta có thể xây dựng các con đập ở cửa sông như các nước ở thượng nguồn. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

Hiện nay ở sông Hồng chưa đặt vấn đề nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã bắt đầu nghiên cứu. Nếu chặn cả sẽ ảnh hưởng tới hình thái con sông và có thể gây xói lở hai bên bờ sông, nên việc xây dựng các đập sẽ phức tạp,  mức đầu tư cũng lớn. Ngoài ra, khi làm còn phải căn cứ vào Hiệp định sông Mekong nữa. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải đầu tư xây dựng các công trình đập để trữ nước ngọt. 

Tin cùng chuyên mục