Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ 2: Hành động vì công lý và nhân đạo

Sáng 8-8, Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam nên hàng trăm đại biểu quốc tế, đại diện nhiều Đại sứ quán các nước, tổ  chức quốc tế và nạn nhân chất độc
Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ 2: Hành động vì công lý và nhân đạo

(SGGPO). - Sáng 8-8, Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam nên hàng trăm đại biểu quốc tế, đại diện nhiều Đại sứ quán các nước, tổ  chức quốc tế và nạn nhân chất độc da cam tới từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tham dự.

Về phía Việt Nam, tới dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cũng nhiều nạn nhân da cam Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa và lời chúc mừng tới hội nghị.

Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng nay, 8-8

Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng nay, 8-8

Cùng chia sẻ với nạn nhân da cam

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA trong lời phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Chúng ta đến với nhau sau 50 năm, kể từ khi quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng chất độc da cam vào ngày 10-8-1961 để tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam và Đông Dương. Thời điểm này thực sự có ý nghĩa, khi thảm họa thiên nhiên, thảm họa môi trường, thảm họa công nghiệp đang đặt ra những mối lo và câu hỏi lớn cho toàn nhân loại, khi thảm họa chiến tranh cũ chưa đi qua, thảm họa chiến tranh mới lại đang rình rập khắp nơi.

Chia sẻ với các đại biểu quốc tế, cũng như các nạn nhân chất độc da cam tới từ nhiều quốc gia khác nhau, Chủ tịch VAVA bày tỏ: Nhiều vết thương chiến tranh Việt Nam đã được hàn gắn, nhưng nỗi đau do chất độc da cam quả là dai dẳng. Mỗi ngày qua đi lại thêm có những nạn nhân qua đời, ốm đau, tuyệt vọng, nghèo đói và khốn khổ tăng lên. Nó không chỉ ảnh hưởng với chính người bị phơi nhiễm mà cả những đứa trẻ vô tội sinh sau chiến tranh cũng gánh hậu quả. Điều đáng nói là không chỉ có các nạn nhân Việt Nam mà còn hàng triệu các nạn nhân của nhiều nước khác. Đó là các cựu chiến binh Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc đã trực tiếp tham chiến, cho tới những người dân vô tội Lào, Campuchia, Thái Lan đã sống gần biên giới Việt Nam…

“Giải quyết vấn đề da cam ngày nay gắn liền với nguyện vọng của toàn thế giới được sống trong môi trường lành mạnh. Không phải chỉ là vấn đề công lý mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề hòa giải và phát triển quan hệ có nhiều lợi ích thiết thực giữa các dân tộc có liên quan đến quá khứ chiến tranh… Chúng ta sẽ cùng nhau nói với thế giới rằng, hiểm họa của các phương thức chiến tranh hiện đại cùng với những loại và kho vũ khí giết người hàng “thông minh” và hóa học thì không ai được quyền ngoại lệ. Những hành vi tội ác này đe dọa tất cả chúng ta ! Thời gian chờ đợi 50 năm là quá lâu! Tất cả chúng ta cần hành động và hành động ngay…!”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nêu rõ.

Trong khi đó, thay mặt Chính phủ, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế trong bài phát biểu của mình đã bày tỏ sự xúc động trước sự hiện diện của nhiều nạn nhân chất độc da cam và đại biểu tới từ hàng chục quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ, chúng ta luôn chia sẻ sự quan tâm sâu sắc của mình với số phận và tương lai của các nạn nhân chất độc da cam, sự quan tâm đến những bài học rút ra từ các cuộc chiến tranh hóa học, từ cuộc đấu tranh giành lại công lý cho các nạn nhân… Chiến tranh không chỉ để lại vấn đề chất độc da cam mà còn rất nhiều các hậu quả nghiêm trọng khác. Vì lẽ đó chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Công lý phải được thực thi

Hòa chung tiếng nói với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam Việt Nam, cũng như các nạn nhân trên khắp thế giới, trong phiên khai mạc, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, nạn nhân chất độc da cam - những người yêu chuộng hòa bình ở nhiều quốc gia đã cùng lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý và công bằng của nạn nhân chất độc da cam. Bà  Jeanner Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, đồng Điều phối Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam nêu rõ: Các nạn nhân Việt Nam đã đi đầu trong đấu tranh giành công lý và quyền được bồi thường cho bản thân họ và tất cả các nạn nhân. Lời kêu gọi công lý của họ vang vọng tiếng nói của quốc tế đòi chấm dứt  vĩnh viễn việc sử dụng vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt…

“ Tất cả chúng ta hãy cam kết đoàn kết và đứng bên cạnh nạn nhân Việt Nam và tất cả nạn nhân chất độc da cam khác. 50 năm là quá dài để chờ đợi công lý và bồi thường. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên vì công lý, phẩm giá và chúng ta sẽ giành chiến thắng !”, bà Jeanner Mirer kêu gọi.

Trong khi đó, ông Len Aldis, một trong người nặng lòng với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam đã thẳng thắn chỉ rõ “ Hoa kỳ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đó là nghĩa vụ đạo đức của mình. Sớm hay muộn, điều đó phải được thực hiện”.

Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, ông Jorge Rondon Uzcategui, khẳng định người dân Venezuela cùng thêm tiếng nói của mình với hàng triệu người đang yêu cầu công lý để trừng phạt các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất độc chết người, xoa dịu, dù chỉ là về mặt vật chất, hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân.

Còn ông Hamish Angus McGregor Chitts, đại diện Mạng lưới Công lý chất da cam và đoàn kết Việt Nam - Australia, nêu rõ, tất cả những thành viên chúng tôi đều nhận thức rõ về tấm thảm kịch của chiến tranh vẫn chưa kết thúc, đó là chất da cam đang tàn phá môi trường và con người Việt Nam.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục