Tuần qua, ngay sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư, đã xảy ra sự kiện Tập đoàn Central Group Việt Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam) đơn phương tạm ngưng nhận hàng may mặc của 200 doanh nghiệp (DN) Việt vốn đã “làm ăn” với Big C từ khi hệ thống siêu thị này còn thuộc quyền sở hữu của một chủ khác. Vụ việc này lập tức được nhiều báo đài cũng như “cộng đồng mạng” luận bàn sôi nổi. Ở góc độ quản lý nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công thương đã vào cuộc. Có thể nói, cho đến hiện nay, mọi việc cơ bản đã ổn khi mà Tập đoàn Central Group Việt Nam cam kết từng bước nối lại việc nhận hàng may mặc của DN Việt. Thế nhưng, băn khoăn vẫn còn đó...
Thứ nhất, về dư luận, đang có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cực đoan mà cơ bản là không hay cho sự hội nhập của Việt Nam và DN Việt. Kêu gọi tẩy chay hệ thống siêu thị Big C, tất nhiên không hay. Chê hàng Việt và cho rằng hàng Việt dở nên Big C mới từ chối nhận, không đúng, nhất là khi chính Big C đưa ra lý do tạm ngưng nhập hàng là để “tái cơ cấu ngành hàng”. Nói rằng đây là thị trường, mua sản phẩm nào là quyền của người mua, chưa chính xác. Bởi lẽ như luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, phân tích, theo quy định tại điều 56 Luật Thương mại năm 2005: “Bên mua (bên nhận cung ứng) có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng”. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quan trọng trong pháp luật thương mại, đó là: “Nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng hóa của các nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng”. Thế nhưng, không rõ vì sao cả Tập đoàn Central Group Việt Nam và DN Việt cung ứng hàng may mặc cho Big C đều không đưa ra hợp đồng ký kết giữa 2 bên mà Luật Thương mại 2005 đã có những quy định rất rõ ràng.
Thứ hai, đó là cách ứng xử của các bên liên quan. Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, các tranh chấp kinh tế nên được giải quyết ở trọng tài thương mại hoặc tòa án kinh tế. Sự vào cuộc nhanh chóng của ngành chức năng rất đáng hoan nghênh, nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề, phải căn cứ vào pháp luật mới hạn chế được những nhận định, phản ứng cực đoan, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Việt. Điều này, đặc biệt quan trọng khi mà đến nay tổng cộng Việt Nam đã ký kết 12 FTA với nhiều nước và Liên minh châu Âu, vì vậy nếu khả năng xảy ra các tranh chấp “kiểu” như vụ Big C hoặc rắc rối hơn, chắc chắn sẽ lớn.
Thứ ba, với quy mô đa số là nhỏ và thậm chí nhỏ “li ti”, các DN Việt sẽ không thể một mình đủ sức tuân thủ đầy đủ các quy định trong FTA. Họ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, từ việc đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất, tới thực hiện các hoạt động pháp lý. Có một thực tế, đang có nhiều DN FDI được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế trong khi không phải DN Việt nào cũng được như vậy. Trong nhiều lĩnh vực, có những điều kiện kinh doanh ưu ái cho DN nước ngoài hơn. Thậm chí, ở nhiều địa phương, lãnh đạo sẵn sàng tiếp và giải quyết vướng mắc cho DN nước ngoài nhiều hơn tiếp và giải quyết vướng mắc cho DN Việt. Nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, DN Việt thường là đối tượng bị làm khó.
Nhà nước rà soát lại, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN; từng bước chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến thuế, đến công tác thanh, kiểm tra để hạn chế đến mức tối đa sự nhũng nhiễu của các công chức biến chất đối với DN - theo nhiều chuyên gia - đây không phải là công tác bảo hộ, mà là hành động tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển. Và, những việc này cần phải làm ngay, bởi nếu không, việc ký kết các FTA sẽ chủ yếu chỉ giúp cho người tiêu dùng trong nước mua được hàng rẻ (từ các nước có ký kết FTA nhập về - do được giảm thuế). Còn sản xuất trong nước, đặc biệt của các DN Việt nhỏ “li ti” sẽ đối diện khó khăn, vì hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn về. Trong khi đó, đối với bất cứ quốc gia nào, DN trong nước mới chính là nền tảng và trụ cột cho đất nước phát triển bền vững.