Hội sách TPHCM lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại công viên Lê Văn Tám, TPHCM từ ngày 21-3 đến hết ngày 27-3 với 172 đơn vị tham gia và 710 gian hàng, nhiều hơn hội sách lần 8 (156 đơn vị và 500 gian hàng). Dự kiến có khoảng 30.000 tên sách với hơn 30 triệu bản sách sẽ được bày bán tại hội sách, trở thành Hội sách TPHCM lớn nhất và là hội sách lớn nhất của cả nước hiện nay.
Đông đảo bạn trẻ đến với Hội sách TPHCM lần thứ 8
Đầu tư lớn để tạo thương hiệu
Một trong những điểm ấn tượng nhất của hội sách năm nay là khá nhiều các đơn vị đầu tư lớn cho các gian hàng sách. Nếu như mọi năm, một số đơn vị chỉ sử dụng 1 hoặc tối đa là 2 gian hàng, số các đơn vị dùng 4 đến 5 gian chỉ đếm trên đầu ngón tay thì năm nay đã có 30 đơn vị mỗi đơn vị thuê đến 8 gian hàng và đầu tư chi phí trang trí, thiết kế lên gần cả tỷ đồng.
Những gian hàng lớn cũng góp phần tăng thêm tính đa dạng cho hội sách, trở thành nơi tổ chức các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm. Cũng vì vậy mà số lượng các sự kiện đã tăng vọt, gần gấp đôi so với hội sách năm 2014. Trong 7 ngày hội sách, dự kiến sẽ có khoảng 100 sự kiện về sách sẽ diễn ra như: tọa đàm về tình hình sáng tác trong nước, các trào lưu sáng tác trên thế giới, thực trạng xuất bản trong nước và kinh nghiệm xuất bản ở các nước… Cao điểm nhất là vào hai ngày 25 và 26-3 với trung bình hơn 20 sự kiện mỗi ngày.
Việc các đơn vị đầu tư gian hàng lớn cũng phản ánh một sự thay đổi tích cực. Theo ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Fahasa, thành viên ban tổ chức hội sách, điều này đã phản ánh thực tế là các đơn vị làm sách đã dần quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, tạo dấu ấn với bạn đọc hơn là chỉ chăm chăm vào việc bán sách như mọi năm. Đây cũng chính là phương thức hoạt động của các hội sách thế giới.
Phản ánh thực trạng xuất bản trong nước
Với quy mô đơn vị, số lượng sách, bạn đọc đến tham dự mỗi năm ngày càng tăng, từ nhiều kỳ tổ chức trở lại đây, Hội sách TPHCM đã trở thành một hàn thử biểu, góp phần đánh giá nền xuất bản trong nước, cả ở góc độ bạn đọc lẫn của người làm sách.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, hội sách đã phản ánh một phần thực tế của ngành xuất bản trong nước. Có hơn 170 đơn vị tham gia, có khoảng 100 sự kiện văn hóa được tổ chức nhưng chỉ có 5 NXB là có tham gia làm sự kiện (Kim Đồng, Trẻ, Phụ Nữ, Tổng hợp TPHCM, Văn hóa Văn nghệ TPHCM), còn lại là của các đơn vị làm sách tư nhân. Điều đó đã minh chứng cho thấy vai trò lớn mạnh của các đơn vị làm sách hiện nay.
Nhìn vào danh sách 100 sự kiện tại Hội sách cũng phản ánh một thực tế, chủ yếu vẫn là các cuộc giới thiệu sách, giao lưu tác giả tác phẩm… hầu như không có hoạt động giao dịch tác quyền, ký kết bản thảo. Chưa kể, nhiều cuộc giao lưu do các đơn vị khác nhau tổ chức lại trùng lắp như trường hợp hàng loạt các tác giả trẻ cùng có nhiều cuộc giao lưu. Bên cạnh đó, số sách mới được giới thiệu nhiều nhất trừ dòng sách dạy học, hướng nghiệp thì chủ đạo vẫn là dòng văn học do người trẻ viết về người trẻ. Thực tế này đã phản ánh định hướng của người làm sách hiện nay vẫn tập trung khá mạnh vào bạn đọc trẻ. Tuy nhiên, như nhận xét của các chuyên gia phát hành, xuất bản, nếu như mọi năm hội sách thường có dự báo trước những đầu sách chủ lực thì năm nay, cho đến tận bây giờ giới làm sách vẫn không thể biết được những tác phẩm nào sẽ lọt vào danh mục sách ăn khách nhất tại hội sách. Danh mục này vốn được xem là định hướng cho các nhà đầu tư xuất bản trong nước nên với tình trạng mơ hồ như trên, thị trường sách trong nước qua hội sách lần này đã phản ánh sự bối rối trong việc xác định thị hiếu bạn đọc hiện nay.
Đường đến chuyên nghiệp
Nói về các đơn vị xuất bản nước ngoài, bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Phó Tổng giám đốc Fahasa, cho biết các đơn vị Hàn Quốc, Nhật Bản lần đầu tiên đến với hội sách đã mang đến một làn gió mới. Các đơn vị này không chỉ giới thiệu sách của mình mà còn tập trung vào việc tìm kiếm đối tác nhằm đưa sách của họ vào Việt Nam cũng như xuất bản sách Việt sang các nước. Để làm điều đó, mỗi đơn vị có những cách khác biệt, phía Hàn Quốc dùng gian hàng như khu vực trao đổi, các đơn vị có nhu cầu có thể giao lưu trực tiếp. Đại diện của Nhật Bản (nhà phát hành Kymokumya) sẽ là trung gian gắn kết các đơn vị xuất bản, làm sách giữa hai nước, tạo những cơ hội thuận lợi cho các đơn vị giao dịch tác quyền.
Từ lần thứ 7 đến nay, Hội sách TPHCM được xem là đã đạt đến đỉnh cao về hình thức “chợ sách” khi có sức mua, bán cao nhất, ảnh hưởng đến nền xuất bản trong nước. Thế nhưng, mong muốn của những người tổ chức hội sách là nâng tầm Hội sách TPHCM trở thành một hội sách quốc tế, không chỉ là nơi bán sách mà là một nơi để các nhà làm sách giới thiệu đến bạn đọc những sản phẩm, thành tựu mới nhất, giao lưu, giao dịch bản quyền giữa các đơn vị xuất bản, với các tác giả… Hội sách TPHCM lần thứ 9 đã có dấu hiệu lạc quan khi xuất hiện những sự thay đổi theo đúng hướng chuyên nghiệp, đưa Hội sách TPHCM vươn lên tầm khu vực
TƯỜNG VY
Thông tin liên quan:
>> Infographics: Những hoạt động hấp dẫn tại Hội Sách TPHCM lần 9