Hồi sinh nghệ thuật làm ruồi câu cá

Với sự nhanh nhẹn của một người đàn ông trẻ tuổi, John Ngaii Moses khéo léo buộc một con ruồi nhỏ lên dây câu của mình và nhảy qua những tảng đá rêu, thả mình xuống dòng sông. “Tôi có thể nhắm mắt buộc một con ruồi”, ngư dân này cười nói và tung dây câu theo hình vòng cung duyên dáng xuống vùng nước hoang sơ.

Kenya nổi tiếng thế giới về chế tạo ruồi làm mồi câu cá hồi, và những người đam mê tin rằng việc hồi sinh môn nghệ thuật này có thể khuyến khích các thế hệ tương lai bảo vệ các dòng sông.

Kenya cũng tự hào là một trong những địa điểm câu cá lâu đời nhất của châu Phi, và ngành buộc ruồi trong nhiều thập niên đã cung cấp cho ngư dân từ Na Uy đến New Zealand những mồi câu thủ công. Du khách khắp thế giới câu cá ở các con sông cao nguyên và hồ trên núi cao ở Kenya, nơi người Anh đã giới thiệu cá hồi vào đầu những năm 1900. 

Cách Nairobi khoảng 2 giờ lái xe, nơi sông Mathioya đổ xuống bên dưới dãy núi Aberdare, là vùng hoang dã, nơi sinh sống của tê giác đen và voi. “Hãy tưởng tượng buổi sáng câu cá và buổi chiều ra ngoài chụp ảnh động vật hoang dã. Bạn có thể có thứ này ở đâu khác?”, Zac Gichane, chủ sở hữu của khu nghỉ mát Aberdare Cottages and Fishing Lodge, đặt vấn đề.

Anh cho biết câu cá bằng ruồi là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD đã chín muồi để mở rộng ở Kenya. Gichane lấy nguồn ruồi câu cá từ những thợ thủ công có những sáng tạo tinh tế và công phu. Những mồi nhân tạo này được thiết kế giống các loài côn trùng mà cá hồi và các loài săn mồi khác ưa thích. 

Hồi sinh nghệ thuật làm ruồi câu cá ảnh 1 Một xưởng chế tạo ruồi câu cá ở Kenya

Kobe Fishing Concerns được thành lập vào năm 2002, là nhóm thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng Kenya gồm một số phụ nữ và nam giới dễ bị tổn thương trong xã hội. Họ đào tạo các thợ làm mồi câu và tạo những chú ruồi - mồi câu tinh tế của Kenya. Hiện tại, Kobe Fishing Concerns đang cung cấp các mẫu ruồi câu theo các danh mục khác nhau: ruồi khô, nhộng và ruồi ướt, ruồi bám, ruồi bọt, ruồi nước mặn, ruồi cá hồi... Công ty tạo thu nhập cho hơn 200 người Kenya trực tiếp hoặc gián tiếp, với khoản tiền kiếm được ít nhất 1.800 USD/năm.

Cuối từng năm, tất cả thành viên cùng thu thập các mặt hàng thủ công của Kenya như một dấu hiệu của sự trao đổi văn hóa và gửi chúng cho các khách hàng ở Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Argentina. Tất cả các vật liệu được sử dụng làm ruồi đều đạt tiêu chuẩn an toàn cho môi trường và gần như có nguồn gốc 100% từ các quốc gia nói trên.

Dù không có số liệu chính xác, nhưng ước tính cho thấy 1/3 số mồi câu là ruồi nhân tạo được sử dụng ở châu Âu có nguồn gốc từ Kenya, trong khi hàng triệu con khác được vận chuyển đến Mỹ, Canada và các nơi khác. Trong nhà xưởng nhỏ bên ngoài Nairobi, lông chim hồng hạc, lông thỏ và vải nằm rải rác trên một bàn, nơi các nghệ nhân miệt mài làm việc ngày đêm để cung ứng mồi câu cho các đơn đặt hàng.

Jane Auma, một nghệ nhân buộc ruồi kỳ cựu với 32 năm kinh nghiệm, cho biết: “Chúng tôi đã làm ra tất cả, sáng tạo các loại mồi câu với thiết kế độc đáo”. Musa Ibrahim, với thâm niên 20 năm, nói rằng: “Thời thế đang thay đổi - cũng giống như câu cá bằng ruồi”. Họ đã liên hệ với các trường học địa phương để giới thiệu cho trẻ em nghệ thuật làm mồi câu cá và các khía cạnh bảo tồn của nó.

Tin cùng chuyên mục