
Trong 2 ngày cuối tuần 30 và 31-5, đoàn khảo sát của Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã thị sát các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu ở tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều mô hình hợp tác làm ăn hiệu quả đã thực sự góp phần hồi sinh những vùng đất cát tưởng chừng như quanh năm bị lãng quên trong nắng cháy và bão lũ.
Khát vọng làm giàu
HTX chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thành lập năm 2012, khi ấy chỉ có 7 người góp vốn với số tiền 750 triệu đồng, nhưng đến nay số vốn đó đã “đẻ” thành 2,5 tỷ đồng. Giám đốc HTX, ông Phạm Văn Cảnh cho biết, khi quyết định thành lập HTX, ông đã trăn trở, đi tìm hiểu khắp nơi và quyết định rủ thêm những người có cùng chí hướng, có kinh nghiệm trong chăn nuôi, có khả năng góp vốn để làm. Ban đầu công ty nuôi 1.200 con heo (lợn). Qua giai đoạn khó khăn, đến nay HTX đã liên kết với các công ty giống ngoại tỉnh, các trại giống trung ương để cung cấp giống, thức ăn, dịch vụ khác. Ngoài ra, HTX ký kết với các thương lái, lò mổ để bao tiêu các sản phẩm cung ứng trong tỉnh và ngoại tỉnh. HTX hiện tiêu thụ sản phẩm cho thành viên (50-150 con/hộ). Thu nhập mỗi năm của thành viên HTX 150 triệu đồng/năm. “Quan trọng nhất là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. HTX chi 12 triệu đồng/tháng để thuê kỹ sư chuyên ngành xuống hướng dẫn. Giờ đây không thể làm ăn đơn lẻ, nhiều người chung tay vào thì dễ làm ăn hơn” - ông Cảnh nói.
Để vào xã Kỳ Bắc, một xã miền núi ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), phải đi qua vài chục cây số đường đất với địa hình khá phức tạp. Nơi đây thời tiết quanh năm khắc nghiệt, nhưng từ ngày HTX Hoàng Châu đi vào hoạt động dường như đã làm thức dậy vùng đất này. Giám đốc HTX Hoàng Châu, bà Trần Thị Châu, hồi tưởng, ban đầu chỉ là tổ hợp tác gồm 6 xã viên liên kết với nhau để làm dịch vụ vận tải hàng hóa phục vụ nhân dân xã Kỳ Bắc và một số vùng lân cận. Tổ hợp tác tự phát, không có mục tiêu rõ ràng nên thu nhập bình quân chỉ 500.000 đồng/người/tháng. “Vào thời điểm khó khăn tưởng chừng như tan rã tổ hợp tác thì năm 2012, chúng tôi được Liên minh HTX Hà Tĩnh tư vấn thành lập HTX, gợi ý phương án sản xuất, hỗ trợ vay vốn và giúp kết nối với Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại Mitraco Hà Tĩnh để liên kết hợp tác chăn nuôi heo nái sinh sản” - bà Châu cho biết. Đây là mô hình chăn nuôi heo nái đầu tiên của Mitraco và cũng là mô hình heo nái vệ tinh thí điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Khi mới thành lập HTX chỉ có 7 người góp vốn với 800 triệu đồng, nay thì 10 người và vốn đã lên gần 6 tỷ đồng.
Chuyển từ góp đất sản xuất sang làm dịch vụ phục vụ nông dân
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của Hà Tĩnh. Đến nay tỉnh này đã xây dựng hơn 7.000 mô hình trong nông nghiệp doanh thu lớn từ trồng rau quả đến nuôi trồng. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh là đã bước đầu hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã xác định các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh như: heo, bò, tôm, hươu, rau củ quả công nghệ cao, cam, bưởi Phúc Trạch. Toàn tỉnh có 54 HTX sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo; trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên cát hoang hóa; nuôi tôm công nghệ cao; chế biến nông sản, thủy sản. “Nếu không có HTX thì không thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, vì không thể đưa được vốn, khoa học công nghệ, giống, hạ tầng cũng như lao động vào. Dân thấy vào HTX có lợi thì sẽ tự nguyện vào”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác trung ương khảo sát HTX chăn nuôi Hợp Lực.
Khảo sát các mô hình tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Không phát triển nhỏ lẻ, phải hợp tác, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất tập trung có quy hoạch, chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Điều này đã nói cách đây 30 năm nhưng chúng ta chưa thực hiện tốt. Báo cáo cử tri trình Quốc hội năm nào cũng đề cập đến vấn đề được mùa mất giá”. Muốn tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nền nông nghiệp thì các địa phương phải có mô hình để thực hiện, nhân rộng. Đó là lý do mà vừa qua đoàn khảo sát trung ương đã đi khắp các vùng miền trong cả nước để trả lời câu hỏi trong thực tiễn có mô hình gì, tiền đề gì để thực hiện cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc Hà Tĩnh tiên phong trong việc thành lập HTX theo Luật HTX mới, hoạt động hiệu quả cao. Đây đều là những HTX dám nghĩ dám làm, chú trọng áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt Hà Tĩnh đã thống nhất trong toàn hệ thống để đẩy mạnh kinh tế hợp tác. “Theo yêu cầu của luật mới, từ 1-7-2016 phải hoàn tất đăng ký lại các HTX kiểu cũ, mục đích là để nhận thức lại về mô hình này, HTX không chỉ là góp đất sản xuất mà trọng tâm là làm dịch vụ để phục vụ xã viên” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói. Cụ thể, HTX cần thực hiện tốt các dịch vụ: mua chung (đầu vào nguyên liệu để cung ứng cho xã viên); mua sản phẩm của thành viên để bán ra thị trường; chế biến sản phẩm của thành viên; cung cấp kỹ thuật, thiết bị sản xuất; tín dụng cho xã viên và các dịch vụ khác. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, tới đây, Trung ương sẽ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển mô hình HTX kiểu mới, trong đó có cơ chế thí điểm cho vay vốn ưu đãi 500 HTX tiêu biểu.
LÂM NGUYÊN