Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM” - Bài 1: Định vị nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh mới

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn
Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM” - Bài 1: Định vị nhiệm vụ trọng tâm trong bối cảnh mới

Ngày 21-12, tại Hội trường TPHCM, Báo SGGP phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) tổ chức hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TPHCM và ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP đồng chủ trì hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TPHCM, các chuyên gia kinh tế, tài chính, đông đảo các doanh nghiệp, chi nhánh Agribank và nông dân tiêu biểu trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện Ban Tổ chức, đại biểu chứng kiến đại diện Ngân hàng Agribank trao séc tượng trưng ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho hoạt động vì người nghèo. Ảnh: Việt Dũng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện Ban Tổ chức, đại biểu chứng kiến đại diện Ngân hàng Agribank trao séc tượng trưng ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho hoạt động vì người nghèo. Ảnh: Việt Dũng

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong quá trình phát triển của TPHCM. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã triển khai và thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển NNNT, xóa đói giảm nghèo, nền tảng là chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NNNT trên địa bàn thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao; phát triển làng nghề du lịch; xây dựng mô hình nông thôn mới… với nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo bà Hồng, mặc dù tỷ trọng đóng góp cho GDP thành phố ở mức độ thấp so với các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, song sự phát triển của lĩnh vực NNNT không chỉ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng trưởng ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, mà còn đảm bảo an sinh xã hội, tạo thu nhập và việc làm, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Riêng Agribank và các ngân hàng trên địa bàn sẽ tháo gỡ cơ chế ra sao để tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực NNNT; tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay phát triển hạ tầng nông thôn; cho vay đầu tư mở rộng sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất khu vực này là vấn đề đang đặt ra cấp bách.

Thay mặt chính quyền thành phố, bà Nguyễn Thị Hồng hoan nghênh Báo SGGP và Agribank đã có sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo này. “Tôi mong rằng các đại biểu sẽ đi sâu phân tích, hiến kế, đề xuất để tiếp tục mở rộng đối tượng, ngành nghề được vay vốn, giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình”, bà Hồng nêu “đề bài”.

“Giải trình” những vấn đề mà lãnh đạo TP nêu ra tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agibank, cho biết trong nhiều năm qua, Agribank đã tập trung nguồn lực đầu tư và có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội TPHCM nói chung và khu vực NNNT nói riêng. Với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp của mình, Agribank hiện là ngân hàng duy nhất có khả năng tiếp cận đến tất cả các huyện, xã trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn như Củ Chi, Cần Giờ. Tuy nhiên, thời gian qua, định hướng đầu tư của Agribank với TPHCM chưa đúng, chưa phát huy hết hiệu quả. “Thay mặt Agribank, tôi thành thật xin lỗi lãnh đạo thành phố và mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Để khắc phục điểm yếu này, trong thời gian tới, Agribank xác định tiếp tục giữ vững vị thế, phát huy vai trò quan trọng của ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu tại TPHCM, khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực NNNT thông qua ưu tiên đẩy mạnh đầu tư tín dụng gắn với các chương trình, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Bảo khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và BTC chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Agribank chi nhánh quận 5 và Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục phát triển nông thôn. Ảnh: Việt Dũng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và BTC chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Agribank chi nhánh quận 5 và Trung tâm tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục phát triển nông thôn. Ảnh: Việt Dũng

Hiệu quả khai thông nguồn vốn

Mặc dù chưa phát huy hết tiềm năng, nhưng hiện tại Agribank đã đầu tư tín dụng cho khu vực TPHCM đạt 71.191 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Các chi nhánh huyện ngoại thành tỷ lệ cho vay NNNT bình quân đạt trên 50%. Kết quả này là việc thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TP về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết: Nhờ khơi thông được nguồn vốn và sức sản xuất trong dân nên mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị giảm nhanh, kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 – 2010 vẫn tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân 6%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha từ 63 triệu đồng/ha/năm (2005) đã được nâng lên 158 triệu đồng/ha/năm (2010), tăng 1,5 lần, năng suất, chất lượng của các cây trồng, vật nuôi được cải thiện đáng kể. Có thể nói, hỗ trợ lãi vay là một chính sách hiệu quả và có tính đột phá nhất từ trước đến nay của ngành nông nghiệp thành phố.

Sự có mặt của những nông dân tiêu biểu từ Củ Chi, Thủ Đức tại hội thảo là những minh chứng sống động về sự thành công của quá trình chuyển dịch này. Ông Khưu Minh Hưng thành lập trang trại nuôi cá từ năm 1990 tại Củ Chi. Ban đầu ông Hưng thực hiện nhân giống và chăn nuôi các loại cá thông thường. Tuy nhiên các giống cá này dần bị thoái hóa, dễ nhiễm bệnh, thị trường tiêu thụ bấp bênh, hiệu quả chăn nuôi không cao. “Quyết định 36 của UBND TPHCM về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đã giúp tôi mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu và chọn giống cá có hiệu quả kinh tế cao nhất để đầu tư”, ông Hưng khẳng định. Hiện tại, ông Hưng có 42.000m2 ao nuôi cá ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Với 2 loài cá thác lác cườm và cá sặt rằn, mỗi năm ông xuất bán 200 tấn, thu lợi gần 2 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực hoa kiểng, ông Nguyễn Thanh Sơn ở quận Thủ Đức là một trong những nông dân thành công về trồng và kinh doanh mai ghép, lợi nhuận mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng, cho biết: “Thành quả có được ngày hôm nay có vai trò không nhỏ của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Thủ Đức. Đơn vị này đã cùng với các cấp chính quyền thành phố thực hiện thành công các chương trình hỗ trợ người dân vay vốn với chi phí thấp và được hỗ trợ lãi vay như từ Chương trình 419, Chương trình 105 trước đây và hiện nay là Chương trình 36, mang đến cho nông dân niềm tin vào sự thành công của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi”.

Khách hàng giao dịch tín dụng tại Agribank chi nhánh Sài Gòn. Ảnh: Kim Ngân

Khách hàng giao dịch tín dụng tại Agribank chi nhánh Sài Gòn. Ảnh: Kim Ngân

Những bức bách từ thực tiễn

Sang giai đoạn 2011 – 2015, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10-6-2011 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 – 2015 với nội dung chính, tiếp tục hỗ trợ lãi vay cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất và mức hỗ trợ cao hơn so với giai đoạn trước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thực tế sản xuất đòi hỏi ngành ngân hàng và các cấp chính quyền thành phố phải đổi mới cơ chế, thủ tục và đề ra những giải pháp đồng bộ, có tính chiều sâu nhằm tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực NNNT, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nêu 4 kiến nghị: Cho phép người dân xin vay bổ sung để mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa phương và ngân hàng căn cứ vào số tài sản thế chấp cũ; ngân hàng cần mạnh dạn cơ cấu lại nợ vay cho nông dân và xét để giảm, giãn cho các khoản vay lãi suất cao trước đây; cần phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống Hội Nông dân thành phố và hệ thống Agribank và đẩy mạnh liên kết 4 nhà. Với vai trò là “một nhà” trong chuỗi liên kết, TS Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị TPHCM cần có cơ chế khuyến khích khu vực NNNT phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực; nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phương thức sản xuất, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa nông sản lớn.

Theo TS Trần Du Lịch, ông đã tham dự nhiều hội thảo nhưng hội thảo này khác các hội thảo khác là rất thực tế chứ không phải “nói nhau nghe rồi để đó”. Ông cũng đã chứng kiến việc TS Nguyễn Ngọc Bảo chỉ đạo cụ thể các chi nhánh về việc tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục cho vay đối với kiến nghị của nông dân tại hội thảo; chứng kiến lễ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác giữa các chi nhánh Agribank với các doanh nghiệp, hiệp hội; Agribank hỗ trợ 30 tỷ đồng để thành phố xây dựng các công trình, triển khai các chương trình an sinh xã hội trong năm 2013.

  • TS Trần Du Lịch

"Nông nghiệp TPHCM phải khác với nông nghiệp của các vùng, địa phương khác. Đó là, TPHCM phải đi đầu ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển thành trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao, trở thành nơi cung cấp giống hàng đầu cả nước. Để thực hiện hiệu quả các chương trình chuyển dịch NNNT trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM và Agribank phải nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược chứ không chỉ dừng lại trong mối quan hệ hỗ trợ như hiện nay"


* Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân tiếp cận vay vốn, các chi nhánh Agribank trên địa bàn TPHCM đã chủ động phối kết hợp các tổ chức chính trị xã hội triển khai cấp tín dụng cho NNNT; phối hợp với các chi hội trực thuộc Hội Nông dân TPHCM triển khai cho vay thông qua 91 tổ nhóm, với số thành viên lên tới gần 2.000 người. Agribank đã triển khai thỏa thuận nguyên tắc với hội làm vườn và trang trại TPHCM nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Trong năm 2012, Agribank đã thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất cho khoảng 25.000 khách hàng trên địa bàn TPHCM với dư nợ gần 50.000 tỷ đồng.

Minh Trường - Hạnh Nhung

>> Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn


Bài 2: Chính sách đòn bẩy cho nông nghiệp đô thị

Tin cùng chuyên mục