Hollywood: Ám ảnh phim bị phát tán lậu

Những “bom tấn” chịu trận
Hollywood: Ám ảnh phim bị phát tán lậu

Ngay sau khi ra mắt ở chợ phim Comic-Con 2015 tại San Diego (Mỹ), trailer của 3 bộ phim gồm X-Men: Apocalypse, Suicide Squad và Deadpool đã bị rò rỉ trên mạng. Chuyện này vốn không xa lạ đối với các nhà làm phim, phát hành tại Hollywood nhưng qua sự việc lần này nỗi lo lại tăng thêm.

Trailer 3 dự án bom tấn X-Men: Apocalypse, Suicide Squad và Deadpool đã bị rò rỉ trên cộng đồng mạng

Những “bom tấn” chịu trận

Trailer của X-Men: Apocalypse dài 3 phút lần đầu tiên được giới thiệu tại chợ phim vào cuối tuần qua và ngay sau đó không lâu, đã bị rò rỉ trên cộng đồng mạng. Một phần nội dung phim cũng như tuyến các nhân vật chính đã không còn nằm trong vòng bí mật. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch bảo mật các thông tin liên quan đến bộ phim vì dự kiến đến ngày 27-5-2016 phim mới chính thức ra mắt khán giả.

Sau X-Men, hai bộ phim Suicide Squad và Deadpool cũng chung số phận. Cùng ra mắt người hâm mộ tại chợ phim danh tiếng này, những hình ảnh chưa từng được công bố của hai “bom tấn”đã lan tràn trên mạng với tốc độ chóng mặt. Sue Kroll - Chủ tịch mảng phân phối và tiếp thị toàn cầu của Warner Bros lên tiếng về trường hợp của trailer Suicide Squad bị phát tán: “Điều đó thật không may và chắc chắn là thiệt hại không hề nhỏ khi một cá nhân nào đó đã cố tình phá vỡ thành quả chúng tôi cố gắng xây dựng. Chúng tôi muốn dành sự ưu ái cho người hâm mộ của mình tại chợ phim bằng việc công bố sớm những hình ảnh đầu tiên”. Kroll cũng cho biết, bộ phim hiện vẫn đang trong quá trình sản xuất và phần giới thiệu của đoàn phim là muốn mang đến những trải nghiệm đầu tiên cho những khán giả may mắn nhất. Sau khi bị rò rỉ, nhà phát hành này quyết định công bố trailer nói trên với dạng chuẩn chất lượng cao. Đoạn trailer có sự tham gia của hai diễn viên Will Smith và Jared Leto sau khi bị phát tán đã thu hút hơn 5,7 triệu lượt xem. Trường hợp bộ phim Deadpool của hãng Marvel cũng vậy.

Vào tháng 4 vừa qua, trailer của bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice cũng bị tải lên mạng trái phép. Theo kế hoạch, bộ phim của đạo diễn Zack Snyder được giới thiệu trên các màn chiếu Imax vào ngày 20-4 nhưng đêm 17-4 bản sao lậu của nó đã tràn lan trên mạng. Những hình ảnh được đăng tải có chất lượng thấp với phụ đề tiếng Bồ Đào Nha được đưa lên YouTube và bị gỡ xuống chỉ sau vài phút. Phim dự kiến ra rạp ngày 25-3-2016.

Hacker ăn cắp sau đó phát tán

 

* Một thống kê cho thấy, tính riêng năm 2014, 8 công ty quản lý an ninh huy động được 136 triệu USD vốn, tăng 5 lần so với con số 25 triệu USD của năm 2013. Ước tính, đến năm 2017 các công ty quản lý an ninh có thể chạm mốc 1 tỷ USD tiền các doanh nghiệp Mỹ chi cho phòng ngừa mất dữ liệu. Thông qua những sự việc nói trên có thể thấy nỗi ám ảnh việc bị rò rỉ phim chưa bao giờ chấm dứt với các nhà làm phim Hollywood. Họ cũng đang nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do việc phát tán lậu gây ra. Tuy nhiên, cuộc chiến chống vi phạm bản quyền này sẽ khó lòng đi đến hồi kết.

 

Việc các bộ phim, trailer, kịch bản hay hình ảnh trong phim ở Hollywood bị các hacker ăn cắp sau đó phát tán trên cộng đồng mạng diễn ra gần như cơm bữa, đặc biệt với những dự án bom tấn. Tình hình vi phạm bản quyền đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu lẫn các chiến lược quảng bá và hình ảnh của các dự án. Đầu tháng 4, trước khi mùa thứ 5 của Game of Throneslên sóng trên kênh HBO, 4 tập phim đã bị rò rỉ khiến các nhà sản xuất đau đầu. Thậm chí, sau khi tập 5 phát sóng chưa đầy 12 giờ đã có hơn 2,2 triệu lượt tải về trên toàn thế giới. Sau 24 giờ, con số lượt tải trái phép là hơn 3,2 triệu lượt.

Trong giới làm phim Hollywood, sự việc gây chấn động và được nhắc đến nhiều nhất khi 5 bộ phim của hãng Sony gồm: Fury, Annie, Mr. Turner, Still Alice và To Write Love on Her Arms bị phát tán công khai trên mạng vào năm 2014. Những bản DVD của các bộ phim nói trên đã bị hacker chia sẻ qua Torrent. Nhóm hacker tự nhận là GOP (Guardians of Peace - Người bảo vệ hòa bình) đã đánh cắp được các file này để tống tiền Sony và bắt hãng này thực hiện các yêu sách của chúng. Nhà phát hành Sony cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng khi phải hoãn chiếu vô thời hạn bộ phim The Interview - một việc làm chưa từng có tiền lệ trong Hollywood nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung. Chuyên viên tư vấn an ninh mạng SSPBlue - Hemanshu Nigam đánh giá cuộc khủng hoảng này khiến Sony Pictures tổn thất khoảng 500 triệu USD.

Một số bộ phim như: Power Rangers, The Expendables 3, Harry Potter và Bảo bối tử thần... trước đây cũng từng bị phát tán lậu. Một con số đáng giật mình hơn, đó là có khoảng 95% (34/36 phim) các bộ phim được đề cử cho giải Oscar 2015 đã có sẵn trên mạng trước khi lễ trao giải diễn ra. Dù tình trạng vi phạm tràn lan và mức độ ngày càng nghiêm trọng nhưng các hãng phim Hollywood hiện tại vẫn phải chấp nhận “sống chung” với nó.

Việc tìm cách hạn chế tối đa các nội dung liên quan đến bộ phim không bị phát tán lên mạng trước khi phát hành chính thức được các hãng phim Hollywood ngày càng cảnh giác cao độ. Trong quá trình sản xuất, đoàn phim Avengers: Age of Ultron chưa bao giờ gửi kịch bản qua email cho các diễn viên mà luôn trao tận tay họ trên phim trường để đảm bảo không một thông tin nào bị rò rỉ. Thậm chí, sau mỗi ngày quay, những trang kịch bản đã hoàn thành đều bị xé bỏ.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục