* Đưa tàu thuyền về nơi an toàn trước 17 giờ ngày 8-12
(SGGP).- Trong cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức tối 6-12 tại Hà Nội về các giải pháp chuẩn bị ứng phó với bão Hagupit do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, trong ngày hôm nay 7-12, tâm bão sẽ áp sát và đi vào miền Trung của Philippines sau đó đi thẳng vào biển Đông, gây nguy hiểm cho thời tiết ở vùng biển của nước ta.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Chiều 7-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ vĩ Bắc - 123,6 độ kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 và giật trên cấp 17. Sau đó, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi vào biển Đông vào khoảng đêm 7 hoặc sáng 8-12. Khoảng từ đêm 8-12 đến sáng 9-12 với cường độ bão cấp 12. Sau khi vào biển Đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó lệch dần về hướng Nam, tốc độ di chuyển khoảng 10km/giờ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 6-12, tại miền Bắc đã có rét với nhiệt độ giảm sâu. Đến khoảng ngày 11 và 12-12, sẽ có thêm một đợt không khí lạnh rất mạnh tràn về miền Bắc.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương vừa có công điện yêu cầu các bộ và địa phương cũng như người dân, ngư dân trên biển không được chủ quan trong bất cứ tình huống nào mặc dù hiện nay chưa dự báo được chính xác hướng di chuyển của bão Hagupit.
Đây là siêu bão có diễn biến phức tạp với nhiều tổ hợp dự báo. Dự báo đêm mùng 8 và ngày mùng 9, bão sẽ vào biển Đông trở thành cơn bão số 5 mà Việt Nam phải đón nhận trong năm nay. Lo ngại nhất hiện nay là bão và hoàn lưu bão sẽ gây ra đợt mưa rất lớn khi cập bờ ở khu vực các tỉnh Nam Trung bộ, ước tính lượng mưa có thể từ 300 - 400mm. Công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cụ thể, các tàu thuyền đang hoạt động từ vĩ tuyến 10 - 17 phải khẩn trương di chuyển về nơi an toàn trước 17 giờ ngày 8-12. Khu vực an toàn trước mắt được nhận định là phía Tây kinh tuyến 115. Các địa phương cử người ứng trực suốt ngày đêm theo dõi diễn biến bão, khẩn trương rà soát kiểm tra đảm bảo an toàn các hồ chứa, sẵn sàng phương án sơ tán dân những khu vực nguy hiểm về lũ ống, lũ quét sạt lở đất, vùng hạ du các hồ chứa có khả năng xả lũ khi tình huống xấu xảy ra.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng cho biết, tính đến chiều 6-12, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm 40.000 phương tiện, với gần 170.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Hiện khu vực ở giữa và Nam biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa còn 302 phương tiện với 4.000 người đang hoạt động trên biển.
PHÚC HẬU