(SGGP).- Trong khi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đang vật vã chống chọi với đợt lũ lớn thứ 2 liên tiếp, hôm qua 17-10, siêu bão Megi đã cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Trong ngày hôm nay 18-10, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 350km.
Theo Trung tâm Dự báo KT-TV Trung ương, với tốc độ di chuyển nhanh, vào khoảng chiều tối và đêm nay (18-10), bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của biển Đông. Đến 13 giờ ngày mai (19-10), vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Trung tâm Dự báo KT-TV Trung ương nhận định, hiện tại chưa thể dự báo chính xác đường đi của bão Megi, bởi khi vào biển Đông sẽ có những yếu tố phức tạp tác động. Nhưng điểm đáng chú ý hơn, đây là cơn bão rất lớn. Nhiều trung tâm KT-TV khác cũng nhận định đây là siêu bão và rất phức tạp.
Trước những diễn biến nêu trên, ngày 17-10, BCĐ PCLB Trung ương đã có công điện gửi các bộ, ngành liên quan và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Theo đó, BCĐ đề nghị các tỉnh thành và các bộ, ngành kiểm đếm tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, nhất là tàu thuyền hoạt động xa bờ ở khu vực Bắc và giữa biển Đông, yêu cầu nhanh chóng di chuyển vào bờ tránh bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão Megi đang hoạt động trên biển Đông, ngày 17-10, Vùng C Hải quân đã triển khai các tàu của vùng đang làm nhiệm vụ trên biển kịp thời bắn tín hiệu và sử dụng hệ thống loa tuyên truyền cho các tàu thuyền ngư dân không đi vào khu vực có bão và khẩn trương tìm nơi tránh trú bão an toàn. Bộ chỉ huy Vùng C Hải quân đã chỉ đạo cho Đoàn M61 và Đoàn M72 chuẩn bị 7 tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đồng thời, đơn vị còn chuẩn bị 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su, 6 xe tải, 4 xe cẩu, 6 xe cứu thương, 10 U-oát, 4 xe ca và 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sĩ với đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ cấp cứu, thuốc men sẵn sàng ứng cứu khi có bão, lũ xảy ra
Chiều 17-10, ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh đường sắt Việt Nam cho biết, mưa lũ tại khu vực miền Trung đã làm đoạn đường sắt từ Vinh đến Đồng Hới đang chìm sâu trong nước, có đoạn nước ngập sâu 1,3m, nhiều đoạn đường ray đã bị nước lũ cuốn trôi. Tính đến 16 giờ ngày 17-10, đã có 12 đoàn tàu khách phải dừng ở ga Đồng Hới và ga Vinh để chuyển tải hành khách bằng ô tô. Ngành đường sắt đã huy động 60 xe khách loại 50 chỗ để chuyển tải miễn phí cho 3.000 khách đi tàu. Tuy nhiên đến 17 giờ chiều 17-10, quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh vẫn có 3 đoạn ngập sâu gần 1m khiến giao thông ách tắc, làm một số xe chuyển tải khách phải dừng lại chờ nước rút. Thông tin từ ga Hà Nội cho biết, trong ngày 17-10, có 3 chuyến tàu SE7, SE5, SE3 chiều Hà Nội - Sài Gòn đã bị hủy. Hiện ga Hà Nội cũng chưa lên được kế hoạch chạy tàu của các ngày 18, 19-10 do tình hình mưa lũ khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp.
V.Phúc - T.Vinh - B.Quyên