Đó là bà Chu Thị Vanh (57 tuổi, trú tại thôn 15, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Suốt hơn 10 năm qua, ngoài hoàn thành tốt công việc bảo vệ tại Trường Tiểu học Cẩm Thịnh, hàng ngày bà Vanh còn tình nguyện hướng dẫn hàng trăm học sinh băng qua tuyến quốc lộ (QL) 1A để đến và rời lớp học an toàn.
Không nệ nắng mưa
Hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, bất kể trời mưa hay nắng, cứ vào khoảng thời gian từ 6 giờ sáng, 10 giờ 30 đến 11 giờ trưa, 16 giờ 30 đến 17 giờ chiều, khi có dịp đi qua tuyến QL1A, thuộc địa phận xã Cẩm Thịnh mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của bà Vanh trên tay cầm một chiếc gậy tre cẩn thận ngó trước nhìn sau rồi hướng dẫn từng tốp học sinh từ 7 đến 11 tuổi (khoảng 5-10 em thành một tốp) đi bộ và xe đạp từ bên này quốc lộ sang cổng Trường Tiểu học Cẩm Thịnh ở bên kia và ngược lại an toàn, sau đó bà lặng lẽ quay trở về, tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ nhà trường.
Trường Tiểu học Cẩm Thịnh nằm sát QL1A, khu vực trước cổng trường luôn đông đúc các phương tiện lưu thông theo hướng Bắc - Nam và ngược lại. Chính vì vậy, nơi đây luôn được xem là “điểm đen” tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, học sinh và người dân mỗi khi đi qua đây đều rất lo lắng. Năm 2000, bà Vanh xin vào làm bảo vệ Trường Tiểu học Cẩm Thịnh với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
Khi chứng kiến cảnh các em học sinh hồn nhiên đi bộ, đạp xe băng qua quốc lộ, bà Vanh thấy bất an, lo cho tính mạng của các em. Sau đó, bà tình nguyện làm “hướng dẫn viên”, hàng ngày tới giờ đến trường và tan trường, bà lại ra QL1A hướng dẫn từng tốp học sinh (khoảng 250 em/ngày) qua đường an toàn.
Giờ cao điểm của bà Vanh vào gần trưa. Vì thời điểm này, học sinh tan trường rất đông, trong khi xe cộ qua lại nhiều, bà Vanh phải “túc trực” dưới nắng, mưa để dẫn từng nhóm học sinh qua quốc lộ.
Cũng nhiều lần vì phụ huynh do bận rộn công việc không đến trường đón con được vào buổi trưa, bà Vanh phải gọi điện thông báo và đề nghị sẵn sàng đưa các em về nhà mình nấu cơm cho ăn uống miễn phí, rồi lại đưa các trò đến lớp tiếp tục giờ học buổi chiều. Thậm chí, nhiều lần bà còn bỏ tiền túi mua xôi, bánh mì, mì gói về cho học trò ăn và lo chỗ nghỉ tạm tại phòng bảo vệ của trường mỗi khi trời mưa to gió lớn. Lúc bố mẹ học sinh đến đón con và đề nghị trả lại tiền ăn, nhưng bà kiên quyết không nhận, vì theo bà hoàn cảnh bố mẹ các em cũng khó khăn lắm.
Như người mẹ hiền
Cô Nguyễn Thị Nga, cán bộ nhà trường nhận xét, việc làm của bác Vanh xuất phát từ tấm lòng thương trẻ, xứng đáng để mọi người noi theo. Nhiều lần phụ huynh đề xuất đóng góp ít tiền để hỗ trợ thêm, nhưng bác Vanh nhất quyết từ chối. Bác Vanh thường bảo, làm không phải để lấy công, cũng không vì một chút lợi lộc nào cả. Còn sức khỏe là còn đưa các cháu sang đường…
Còn cô Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thịnh, cho biết: “Đã hơn 10 năm rồi, trên tuyến QL1A đoạn qua trước cổng trường dù xe cộ qua lại rất đông đúc, nhưng không có vụ tai nạn nào xảy ra đối với học sinh của trường. Có được điều tuyệt vời này chính là nhờ sự đóng góp không nhỏ của bác Vanh. Nhà trường thật may mắn khi có được một người bảo vệ tốt bụng như vậy. Còn phụ huynh, họ thật sự rất yên tâm, tin tưởng vào bác Vanh”.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở xã Cẩm Thịnh tâm sự, suốt mấy năm qua chứng kiến việc làm tình nguyện cao cả, thay phụ huynh đưa đón hàng lượt học sinh băng qua QL1A an toàn, người dân ở đây ai cũng yêu mến và kính trọng bác Vanh. Còn các bậc phụ huynh học sinh thì luôn xem bác Vanh như người mẹ hiền thứ 2 ở trường, hết sức, hết lòng vì những điều tốt đẹp nhất cho con em của họ.
Phụ huynh Trần Thị Trân nhận xét, bác Vanh sống rất tốt, hiền lành, luôn xem các cháu như là con cháu ruột thịt trong nhà. Hiếm có nhân viên bảo vệ nào tốt bụng như thế. Nhờ có bác Vanh nên phụ huynh chúng tôi cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn mỗi khi công việc bận rộn, không đến đưa đón con được. Chúng tôi luôn xem bác Vanh như người mẹ hiền của các cháu.
| |
DƯƠNG QUANG