Hơn 100 tấn chân gà thối đã “chạy” khỏi cảng

Sau khi phát hiện 108 tấn chân gà do Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh (có trụ sở tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh) nhập khẩu từ Ấn Độ vào cảng Hải Phòng nhưng đã bốc mùi và đang phân hủy, Cục Thú y đã có văn bản đề nghị tiêu hủy nhưng hiện lượng chân gà trên đã “chạy” khỏi cảng Hải Phòng.

Sau khi phát hiện 108 tấn chân gà do Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh (có trụ sở tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh) nhập khẩu từ Ấn Độ vào cảng Hải Phòng nhưng đã bốc mùi và đang phân hủy, Cục Thú y đã có văn bản đề nghị tiêu hủy nhưng hiện lượng chân gà trên đã “chạy” khỏi cảng Hải Phòng.

Doanh nghiệp không hợp tác

Sau khi hai lô hàng 108 tấn chân gà về tới cảng, cơ quan thú y phát hiện đây là loại chân gà đông lạnh chưa được làm sạch, bao bì đóng gói không ghi nguồn gốc cũng như thời hạn sử dụng. Do đó, Cơ quan Thú y vùng 2 đã yêu cầu kiểm tra, lấy mẫu giám định các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và phát hiện các mẫu đem kiểm tra đều có hiện tượng phân hủy, có mùi hôi và một số chỉ tiêu vi sinh vượt quá giới hạn cho phép. Vì vậy, Cơ quan Thú y vùng 2 cho rằng lô hàng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhập khẩu.

Sau khi nhận được thông tin trên, Cục Thú y đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng dừng thông quan lô hàng và yêu cầu Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh phải hoàn tất các thủ tục để tái xuất hoặc tiêu hủy. Tuy nhiên, Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh lại khẳng định rằng, Cơ quan Thú y vùng 2 tổ chức lấy mẫu để kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn đối với sản phẩm chân gà nhập khẩu để gia công xuất khẩu (tạm nhập tái xuất) là không đúng. Bởi vì lô hàng tạm nhập tái xuất chỉ cần kiểm tra hồ sơ của lô hàng và không cần phải kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thậm chí doanh nghiệp này còn cho rằng, trong thời gian qua ngay cả các lô sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam để làm thực phẩm tiêu dùng trong nước, cơ quan chức năng cũng không tổ chức kiểm tra chất phóng xạ khi Nhật Bản bị rò rỉ chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi hai lô chân gà đông lạnh nhập khẩu chưa được làm sạch là để gia công, xuất khẩu sang các nước làm thực phẩm cho người nước ngoài sử dụng. Đồng thời, phải sau thông quan thì chân gà mới có thể làm sạch được. Do vậy, doanh nghiệp đã không hợp tác với cơ quan chức năng, không ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo quy định.

Điều khó hiểu hơn, trong khi các vi phạm và khúc mắc còn đang chờ các cơ quan chức năng giải quyết thì theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng 2, tới ngày 14-11, các lô chân gà bẩn kể trên đã “chạy” khỏi cảng Hải Phòng. Do vậy, trách nhiệm đang đặt ra cho cơ quan Hải quan Hải Phòng.

“Tạm nhập tái xuất” cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh

Mặc dù hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang đưa ra những lý lẽ của riêng mình, song đại diện Cục Thú y cho biết, hiện cơ quan này vẫn đang hoàn tất hồ sơ vụ 108 tấn chân gà đông lạnh bị bốc mùi để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với Công ty TNHH Chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh. Toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển cho Thanh tra Bộ Y tế xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công văn yêu cầu xử lý chặt chẽ vụ nhập khẩu lô hàng 108 tấn chân gà thối từ Ấn Độ vào Việt Nam. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Thú y, Thanh tra Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan lập tức kiểm tra thủ tục hồ sơ, lấy mẫu xét nghiệm hai lô hàng trên để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cục Thú y thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu để gia công làm hàng xuất khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi, giữ uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, quy định chỉ tiêu giới hạn đối với sản phẩm gia súc, gia cầm chưa làm sạch nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất với mục đích dùng làm thực phẩm. Kết quả phải được báo cáo về Bộ NN-PTNT trước ngày 25-11.

Tương tự, để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh bẩn từ nước ngoài vào nội địa đang có chiều hướng tăng lên hiện nay, Cục Thú y cũng vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Công văn số 1152/TTg-KTTH về tạm dừng nhập khẩu các loại phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi thông quan hàng hóa.

Phúc Hậu

Phát hiện 526kg thịt và 20kg phụ phẩm heo bốc mùi hôi thối

Ngày 17-11, tại quốc lộ 1A, Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc phối hợp với Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức kiểm tra, phát hiện 526kg thịt heo và 20kg phụ phẩm heo không giấy chứng nhận kiểm dịch, lô hàng bốc mùi hôi thối, tím tái, da xuất huyết…

Số hàng này được giấu tại khoang hành khách của xe mang BKS 53L 8347 do tài xế Nguyễn Bình, SN 1953, ngụ tại Đồng Nai vận chuyển vào TPHCM tiêu thụ.

Tổ công tác đã phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy lô hàng không rõ nguồn gốc, vận chuyển trái phép trên theo quy định tại Nghị định 40/2009/NĐ-CP ngày 24-4-2009 của Chính phủ.

T.Hồng

Tin cùng chuyên mục