Ngày 17-9, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, năm 2020 - 2021.
Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 362.000ha cây ăn trái, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước. Từ năm 2013 đến nay, diện tích cây ăn trái không ngừng tăng với mức bình quân khoảng 4,2%/năm. Khoảng 10 năm gần đây kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước tăng ấn tượng; trong đó năm 2019 giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,7 tỷ USD.
Mặt được là vậy, tuy nhiên diện tích cây ăn trái vẫn còn dạng phân tán, nhỏ lẻ, gây khó cho đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng.
Đáng lo ngại là mùa khô năm 2019 - 2020 đến sớm, hạn mặn gay gắt kéo dài gây bất lợi cho cây ăn trái. Toàn vùng ĐBSCL có hơn 25.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn; trong đó, bị mất trắng khoảng 11.181ha. Nguyên nhân do khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt để tưới, đất bị xì phèn, nước nhiễm phèn…
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh khẩn trương khôi phục lại vườn cây ăn trái. Tập trung rửa mặn cho đất, dùng nước ngọt tưới thường xuyên để rửa trôi muối tích tụ trong đất, bón vôi, phục hồi bộ rễ và bộ lá; sử dụng phân hữu cơ sinh học, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới cho cây…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, mặc dù hiện nay ở ĐBSCL đang vào mùa lũ, nhưng ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó với hạn mặn của mùa khô năm 2020 - 2021, bởi theo dự báo có khả năng tương đương mùa khô năm 2015 - 2016. Dự kiến diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn khoảng 80.500ha; vì vậy các địa phương cần khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực, khảo sát hệ thống thủy lợi, cân đối nguồn nước, ưu tiên chăm sóc các loại cây mẫn cảm với mặn. Xây dựng các phương án bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn trái dưới các mức độ ảnh hưởng của hạn mặn khác nhau. Đánh giá tính thích nghi của một số cây trồng phù hợp với từng loại đất, nhằm có định hướng phát triển lâu dài.
Đối với cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật cho hay, đến nay ở các thị trường khó tính đã cấp được 998 mã số vùng trồng; trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199)... Ngoài ra, đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8-2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng. Riêng khu vực ĐBSCL hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian qua việc kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, tháng 6-2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho Cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn, trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan, để phối hợp điều tra nguyên nhân, đề xuất khắc phục và nâng cao công tác quản lý; trong đó nhiều nhất là Tiền Giang (có 15 mã số nhà đóng gói và vùng trồng), An Giang (7 mã)…
Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu không lớn, nhưng điều này cho thấy việc kiểm tra, quản lý mã số vùng trồng đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chấn chỉnh kịp thời. Nếu không kiểm tra, giám sát tốt sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích nông dân. Thậm chí nguy cơ mất thị trường, không thể xuất khẩu được, nếu thường xuyên có các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu…