Hơn 25 năm dạy trẻ trên xe lăn

Đã hơn 25 năm qua, dù tật nguyền ngồi trên xe lăn nhưng với mơ ước làm cô giáo của mình, cô Huỳnh Thị Xinh (SN 1966, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã lặng lẽ dạy học cho các em ở xóm nghèo tình thương này.
Hơn 25 năm dạy trẻ trên xe lăn

Đã hơn 25 năm qua, dù tật nguyền ngồi trên xe lăn nhưng với mơ ước làm cô giáo của mình, cô Huỳnh Thị Xinh (SN 1966, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã lặng lẽ dạy học cho các em ở xóm nghèo tình thương này.

Ước mơ nhỏ nhoi

Chúng tôi tìm đến căn nhà cấp 4 của cô Xinh nằm trong xóm nhà liền kề (đường Xuân Thiều 8, phường Hòa Hiệp Nam),  nơi cô đang sống cùng với đứa con nuôi học lớp 8 của mình. Căn nhà khá nhỏ nên nơi dạy học cũng chật chội, chỉ vài bộ bàn ghế được bố trí gọn gàng.

Cô Huỳnh Thị Xinh

Kể về cuộc đời của mình, cô Xinh cho biết, cô là con thứ của gia đình có 4 anh chị em. Sinh ra với thân hình bình thường nhưng trong một lần bị sốt cao, đột nhiên đôi chân của cô bắt đầu mềm nhũn và hoàn toàn không cử động được. Nhìn đứa con mới chào đời, đối với cha mẹ cô đó là một cú sốc về tinh thần; còn với cô sau đó là sự mặc cảm, tự ti về số phận của mình. Kể từ đó, suốt khoảng thời gian thơ ấu ấy, Xinh nằm một chỗ và mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ.

Nhưng kể từ khi được cha cõng đến trường, những mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh của cô hầu như biến mất trong suy nghĩ. Suốt 12 năm liền đi học, Xinh luôn là học sinh khá giỏi của trường và niềm mơ ước lớn nhất chính là trở thành giáo viên.

Đến năm 1986, cô nhận được học bổng toàn phần về khóa học Anh văn và máy tính. Với niềm đam mê nghề giáo của mình, cô dự định sẽ thi vào trường sư phạm, nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn, niềm mơ ước ấy đã không trở thành hiện thực với cô.

Tưởng chừng ước mơ sẽ không thành hiện thực thì trong một lần vô tình nghe người dân trong xóm than thở vì con mình không có điều kiện học thêm, học trên lớp thì tiếp thu khá chậm, cô Xinh đã nảy sinh ý tưởng mở lớp dạy thêm tại nhà để giúp những đứa trẻ trong xóm.

“Cô giáo” ở xóm nghèo.

Với ý tưởng đó cộng thêm niềm mơ ước được dạy học bấy lâu, đến cuối năm 1989, Xinh mở lớp học thêm đầu tiên trong niềm vui và sự ủng hộ của những người dân nghèo nơi đây. Lớp học ban đầu chỉ có vài học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 nhưng rồi tiếng lành đồn xa, lớp học mỗi lúc một đông. Cô phải chia ra nhiều buổi để dạy các em để đạt hiệu quả tốt hơn. Cô Xinh cũng chỉ nhận một ít tiền học phí để trang trải qua ngày và mua quà làm phần thưởng cho những em được điểm cao trong học tập. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô chẳng những không lấy tiền trong suốt thời gian học, mà còn mua sách, vở tặng các em này.

Những học trò nghèo của cô Xinh

Khi được hỏi về học sinh của mình, cô Xinh cho biết, lớp của cô có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và đáng thương; trong đó, đáng thương nhất là trường hợp em Phạm Văn Phước, năm nay học lớp 2. Cha mẹ em Phước mất khi em còn nhỏ, em phải ở với ông bà già yếu nên không có điều kiện đi học thêm. Biết hoàn cảnh của em nên những năm qua, cô Xinh dạy kèm miễn phí và còn mua sách vở, áo quần tặng để em  Phước được đến trường.

Trường hợp của em Phạm Thị Thanh (năm nay học lớp 9) cũng mồ côi cha từ nhỏ, mẹ cô bị tai nạn lao động nên nằm một chỗ. Xót thương hoàn cảnh của Thanh, cô Xinh luôn ở bên cạnh động viên và kèm em học tập. Kể từ khi được cô Xinh hỗ trợ kiến thức, trò Thanh từ một học sinh có học lực trung bình đã vươn lên đạt khá giỏi.

Dù chưa từng học qua lớp sư phạm nào nhưng với vốn kiến thức vững chắc đã có được từ những năm tháng học ở trường phổ thông, cộng thêm việc tìm tòi, học hỏi các kiến thức sư phạm trên mạng, đã giúp cô Xinh có kiến thức tốt hơn để truyền đạt cho các em ở xóm nghèo. Cô Xinh chia sẻ: “ Dù không có đôi chân đi lại như mọi người, nhưng với tôi, được truyền đạt lại kiến thức cho các em là điều hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống của mình. Niềm vui của tôi mỗi ngày là nhìn thấy các em học sinh tiến bộ trong học tập”.  

Đã hơn 25 năm trôi qua, học trò của cô Xinh có rất nhiều người thành đạt, nhiều em hiện là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác. Đây chính là niềm vui, động lực trong cô suốt nhiều năm qua. Cô gái tật nguyền ấy trong mắt học trò nghèo đang học và đã thành đạt vẫn là “cô giáo” có tấm lòng nhân hậu, được phụ huynh quý trọng.

Vinh Quang 

Tin cùng chuyên mục