Ngày 26-10, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã dẫn đầu đoàn khảo sát tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) về tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017.
Ngay tại buổi khảo sát, lãnh đạo chợ Bến Thành thông tin, hơn 90% các mặt hàng bày bán tại chợ có xuất xứ trong nước, số còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường khác.
Thống kê từ Ban Quản lý chợ Bến Thành, hầu hết các hộ kinh doanh đều đăng ký tham gia phong trào “Người kinh doanh mới”. Nội dung bao gồm các hộ cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả mạo; đảm bảo thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm…
Theo ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành, 100% hộ kinh doanh thịt heo ở chợ thuộc dự án “Mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Nguồn cung cấp thịt đều do Vissan và 2 chợ đầu mối gồm Bình Điền, Hóc Môn cung cấp. Tương tự, các sản phẩm trứng gia cầm đều do các công ty trong nước cung ứng như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, CP và đều truy xuất được nguồn gốc.
Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi mua các sản phẩm rau củ quả, thực phẩm tại chợ, Ban Quản lý chợ đã thường xuyên kiểm tra (hơn 730 lượt từ đầu năm đến nay) bằng phương pháp test nhanh, qua đó phát hiện 13 trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy vậy, ông Thiện cũng thừa nhận, do đặc thù các hộ kinh doanh tại chợ thuộc diện nhỏ lẻ, một số mặt hàng xách tay về nước nên khó chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các trường hợp này, khi quản lý thị trường TP phát hiện đều kiểm tra, xử phạt.
“Chúng tôi đã và đang tăng cường tuyên truyền, vận động để bà con tiểu thương chủ động kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo uy tín, thương hiệu chợ”, ông Lê Quang Thiện nói.
Đáng chú ý, một số tiểu thương cũng phản ánh tình trạng chợ xuống cấp, mưa dột, thiếu nhà vệ sinh cho du khách…
Chị Lê Thị Thu Bích, tiểu thương chuyên doanh mặt hàng trái cây chợ Bến Thành thừa nhận, việc kinh doanh tại chợ Bến Thành nói riêng, các chợ truyền thống nói chung thời gian gần đây bị cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này, tiểu thương ngành hàng trái cây không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc tuyển hàng đẹp, sạch, an toàn, dễ truy xuất nguồn gốc.
“Chỉ khi nào một số loại trái cây trong nước không có thì tôi mới nhập khẩu hàng. Nhìn chung sản phẩm trái cây Việt Nam đều được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy vậy, điều mà bà con kinh doanh chúng tôi trăn trở chính là chợ không có bãi giữ xe nên rất bất tiện. Giá mỗi lượt gửi xung quanh chợ tính theo giờ, từ 10.000 - 20.000 đồng, tùy nơi nên ảnh hưởng đến sức mua. Thêm nữa, chợ đang xuống cấp. Khách mua hàng thỉnh thoảng phải che dù trong lồng chợ khi mưa xuống nên chúng tôi rất mong quận 1 cũng như Ban Quản lý chợ Bến Thành xem xét, sửa chữa chợ để bà con kinh doanh thuận tiện hơn”, chị Bích kiến nghị.
Kết thúc buổi khảo sát, đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu quận 1 cũng như Ban Quản lý chợ Bến Thành xem xét, ghi nhận các ý kiến đóng góp của tiểu thương để hỗ trợ bà con buôn bán, kinh doanh ổn định. Song song đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, bà con kinh doanh hiểu hơn về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
“Một chợ truyền thống uy tín, nằm ngay tại trung tâm quận 1 nhưng chưa phát huy hiệu quả xứng tầm trong việc quảng bá, tuyên truyền, lan tỏa cuộc vận động tới người dân, du khách. Ban Quản lý chợ cũng như quận 1 cần xem xét lại vấn đề này để triển khai tốt hơn. Bởi chợ Bến Thành không chỉ là địa điểm kinh doanh thuần túy, mà nơi đây còn là thương hiệu của TP nói riêng, Việt Nam chúng ta nói chung. Nhắc tới TPHCM người dân trong nước cũng như du khách quốc tế đầu nhắc đến chợ Bến Thành”, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Hàng Việt Nam có mặt tại siêu thị nước ngoài
Ngày 26-10, Đoàn công tác Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khảo sát tại Hợp tác xã (HTX) Phước An (huyện Bình Chánh) và chợ Tân Bình triển khai công tác trong năm 2017, hướng tới 2018.
Tại HTX Phước An, Đoàn công tác ghi nhận trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao rõ rệt, chuyển hướng đến đầu tư quy mô công nghệ cao. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các trận mưa lớn, dày đặc đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Theo HTX Phước An, hiện nay, toàn bộ nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đang phân phối cung cấp các hệ thống siêu thị trong nước và siêu thị nước ngoài. Thế nhưng, diện tích, năng suất có hạn nên không thể cung cấp hết thị trường TP. HTX mong UBND huyện Bình Chánh xem xét các trường hợp xã viên có diện tích đất trồng lúa muốn lên đất vườn để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tăng sản lượng rau, củ, quả.
Đồng thời, trong năm 2017, chợ phối hợp với Đội Quản lý thị trường phát hiện, xử phạt 10 vụ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ.