Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM, ngập úng làm hư hại đường sá, cầu cống, cản trở giao thông. Tổ chức này cho rằng: Sẽ có hơn một nửa nút giao thông hiện có và dự kiến có ở TPHCM sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng bất thường vào năm 2050. Sẽ có 187km đường sắt, 33km đường một ray và đường ray trên không, 36km đường xe điện ngầm nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng bất thường.
Chương trình chống ngập nước ở TPHCM đã được triển khai hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, trên thực tế trong những năm gần đây, tình trạng ngập nước do mưa, triều cường càng diễn biến hết sức trầm trọng. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM: Tính đến đầu năm 2010, số điểm ngập trên địa bàn TPHCM là 96 điểm và đến cuối năm 2010 xóa được 55 điểm còn 41 điểm. Nhưng trong năm 2010, số điểm ngập phát sinh mới là 32 điểm và chỉ xử lý được 15 điểm, còn 17 điểm. Như vậy, tính đến đầu năm 2011, tổng số điểm ngập trên toàn địa bàn TP là 58 điểm.
Nhìn nhận về tình trạng chống ngập nước ở TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết, trong những năm qua, TP đã triển khai đầu tư nhiều chương trình chống ngập lớn như: Dự án vệ sinh môi trường TP, dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường TP và dự án cải tạo rạch Hàng Bàng, xây dựng hệ thống đê bao, bờ kè dọc sông Sài Gòn… và đã hạn chế được phần nào tình trạng ngập nước do mưa và triều cường. Tuy nhiên, trong những năm qua, với quá trình đô thị hóa nhanh của TP, việc triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị với quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Còn GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, hướng thoát lũ chính của TP là Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc xuống Nam, Đông Nam và Tây Nam. Vậy mà, trong quy hoạch đô thị, TP lại tập trung mở rộng đô thị về hướng Nam và Đông Nam như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, những khu vực trũng thấp vốn là hồ điều tiết thoát nước tự nhiên của cả TP. Có nghĩa là TP đang tự chặn đường thoát nước của chính mình. Cho nên, việc chống ngập nước cho TP mỗi khi mưa lớn và triều cường là rất khó đem lại hiệu quả.
GS-TSKH Lê Huy Bá khuyến nghị: “Để giải quyết tình trạng ngập nước cho TP một cách rốt ráo, chúng ta không chỉ loay hoay chạy theo khắc phục các điểm ngập trước mắt mà cần phải giải quyết các vấn đề gốc rễ. Đó là cần phải xem xét lại vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của TP theo hướng phát triển về khu vực phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc như quận 2, 9, Củ Chi, Thủ Đức, những nơi có nền đất cứng và cao. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết tự nhiên để chứa và tiêu thoát nước vào mùa mưa”.
ĐÌNH LÝ