“Hỏng hết cả bánh kẹo”

“Hỏng hết cả bánh kẹo” là thành ngữ vỉa hè Hà Nội xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1970 thế kỷ trước. Đó là lúc dân phố vừa rời khỏi những miền quê sơ tán quay trở lại phố phường. 
Câu thành ngữ vui nói về một cơ hội tốt bị bỏ lỡ vô cùng tiếc nuối. Cũng có lúc dùng với nghĩa những việc không thực hiện được bởi nó khó khăn và rất xa vời với khả năng. Đại khái như lỡ hẹn với giai nhân đỏng đảnh chỉ một lần thôi là “hỏng hết cả bánh kẹo”.
Bánh kẹo mà được mang ra ví von như một cơ hội lớn bị bỏ lỡ hẳn là nó phải rất quý hóa và hiếm hoi. Thời ấy, nó chính là một thứ như vậy. Trước ngày sơ tán, Hà Nội còn khá nhiều loại bánh kẹo bán tự do trên thị trường. Ngoài bánh kẹo nhà nước của Nhà máy bánh kẹo Hà Nội, Hải Hà, dân phố còn rất nhiều gia đình sản xuất bánh kẹo nhỏ lẻ từ thời Pháp thuộc nằm trong khu phố cổ. Cùng với các loại bánh kẹo Tây chế biến bằng máy móc còn có bánh kẹo thủ công do các lò nấu loanh quanh Hà Nội mang vào tiêu thụ. 
“Hỏng hết cả bánh kẹo” ảnh 1 Minh họa: P.S
Trẻ con đến trường có ông bán kẹo kéo khăn mặt vắt vai bàn xếp cắp nách ngày nào cũng có mặt đúng giờ ra chơi bày đồ nghề thao tác rất điêu luyện. Những cú gồng mình, choãi chân rút thỏi kẹo như con lợn sữa ra thành một dây dài. Ngón cái ngón trỏ kẹp vào nhau như hình súng lục đẵn dây kẹo thành những đoạn đều tăm tắp. 5 xu là có thể mua được một đoạn đủ cả vỏ đường giòn và nhân lạc rang thơm nức mùi va-ni. Lũ trẻ mê mẩn ông bán kẹo kéo không chỉ vì kẹo ngon mà còn vì những động tác kéo kẹo của ông ấy thật thần tình. Một vật thể giòn như thủy tinh mà có thể kéo thành sợi dây dài đủ cả vỏ, ruột.
Những năm chiến tranh sơ tán, lũ trẻ không còn được ăn kẹo bánh thường xuyên nữa. Ở quê thỉnh thoảng mới được ăn những thứ chè lam cứng như đá hoặc kẹo lạc ỉu xìu. Thỉnh thoảng lắm phụ huynh mới mang về cho một gói kẹo trứng chim trắng muốt chia nhau mút mát cả ngày. Hết kẹo trứng chim có khi là gói vitamin C bọc đường màu vàng ngậm tê răng. Vài gia đình có người đi nước ngoài về cho trẻ những chiếc kẹo Nga thì là một món quà vô cùng quý hóa. Lũ trẻ có đứa cất đi để dành cho đến lúc chảy nước mới mang ra ăn. Người lớn những năm tháng ấy hầu như chẳng ai ăn kẹo bánh gì cả. Chỉ có miếng bánh nướng, bánh dẻo trung thu và hộp mứt tết là dùng chung cả nhà.
Năm 1969 người Hà Nội trở về sau sơ tán lần thứ nhất. Phải tổ chức lại cuộc sống sau 4 năm tạm bợ ở các vùng nông thôn. Lương thực, thực phẩm khan hiếm có khi xếp hàng cả ngày đến lượt thì hết. Người ta nháo nhác lo cho ngày hai bữa cơm cũng đã mệt nhoài. Chẳng ai nghĩ đến chuyện bánh kẹo. Các nhà máy hình như cũng chưa kịp bắt nhịp sản xuất khi vừa tái tổ chức lại. Những gia đình sản xuất kẹo thủ công trong phố cũng thế. Và hơn nữa, nguyên liệu làm bánh kẹo là đường và bột cũng trở nên khan hiếm trên thị trường. Nhà nước đã quản lý chặt chẽ hai mặt hàng này như gạo và thịt vậy. Vài gia đình có nghề truyền thống phải làm kẹo chui vào ban đêm. Đường đỏ và bột kém chất lượng. Giấy gói đen nhẻm in nhãn bằng mực tím. Chiếc kẹo ăn vào như đất sét the the ngọt mùi mía. Nhưng vẫn quý hóa như thường. Phải đến giữa những năm 1980, Hà Nội mới có những hàng bánh kẹo tư nhân sản xuất bày bán. Con phố Thợ Nhuộm từng có rất nhiều hàng bánh ga-tô vào thời kỳ này. Và phố Hàng Than mới bắt đầu nhộn nhịp bánh cốm, bánh su-sê… 
Không thể ngờ hai chục năm sau ngày mở cửa, bánh kẹo ê hề đến mức vào siêu thị nào cũng có những gian hàng dài dằng dặc chất toàn bánh kẹo. Các công ty bánh kẹo cả nhà nước và tư nhân chiếm lĩnh vị trí sang trọng trên những mảnh đất vàng của thành phố. Trung thu và Tết Nguyên đán, người ta dựng rạp di động trên vỉa hè bán bánh kẹo gần như khắp mọi nẻo đường trên phố.
Hóa ra người Hà Nội không “hảo ngọt” đến mức như những nhà đầu tư tưởng tượng. Đã có nhiều nhà máy và cửa hiệu bánh kẹo phá sản trong vài năm nay. Phố Thợ Nhuộm thôi ga-tô và Hàng Than chỉ còn bán bánh cốm cho người ta đi hỏi vợ theo truyền thống. Người Hà Nội vẫn chưa quen ăn những thứ kẹo bánh sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp. Bánh nướng bánh dẻo sản xuất theo lối này thường thấy có mặt ở thùng rác sau dịp Tết Trung thu khá nhiều. Bánh “rởm” vứt đi nhiều hơn nhưng bánh thật cũng chẳng thiếu gì.
Kẹo bánh nhập khẩu tiểu ngạch tràn lan cũng đã góp phần biến thành ngữ “Hỏng hết cả bánh kẹo” ngày nào lại một lần nữa được hiểu theo nghĩa đen của sự thất bại đầy nuối tiếc.

Tin cùng chuyên mục