Họp báo chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ: Những thách thức không dễ giải quyết

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức với nội dung trả lời xoay quanh các chính sách đối nội và đối ngoại, từ đại dịch Covid-19 đến vấn đề Triều Tiên… Tất cả cho thấy một nhiệm kỳ còn nhiều khó khăn và phải hành động quyết liệt. 
Mỹ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters
Mỹ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters

Triển vọng kinh tế và kiểm soát dịch 

Cuộc họp báo diễn ra sau hơn 2 tháng kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, mà theo Nhà Trắng, lý do cho sự chậm trễ này là do Tổng thống Biden phải tập trung giải quyết đại dịch Covid-19 và thúc đẩy gói cứu trợ 1.900 tỷ USD.  

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ nhờ gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD vừa được thông qua, đồng thời dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm nay. Bên cạnh các biện pháp xử lý hiệu quả đại dịch Covid-19 thời gian qua, với tốc độ tiêm chủng và phân phối vaccine như hiện nay, nước Mỹ sẽ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.

Liên quan đến những ý kiến chỉ trích cách xử lý vấn đề người nhập cư tăng mạnh, ông Biden bảo vệ luận điểm của mình trong việc xử lý tình trạng “sóng” nhập cư đổ về biên giới Mỹ - Mexico. Tổng thống cho biết luôn có sự gia tăng theo mùa về lượng người đổ về biên giới, đặc biệt vào dịp đầu năm, nhưng cũng thừa nhận “không có câu trả lời dễ dàng” cho thách thức trong vấn đề người di cư. Tuy nhiên, ông khẳng định không thể để trẻ em chết đói và bị kẹt lại ở bên kia biên giới. Vì vậy, ông đã ra lệnh mở rộng những cơ sở này, trong đó bao gồm cả việc tận dụng căn cứ quân sự Ft. Bliss ở Texas làm nơi tạm trú cho những trẻ em không có người thân đi cùng. 

Quyết định trên của ông Biden vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía đảng Cộng Hòa, đồng thời khiến sự chia rẽ ngay trong đảng Dân Chủ về chính sách nhập cư ngày thêm một lớn… Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng hé lộ dự định sẽ tái tranh cử vào năm 2024 và hy vọng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục là liên danh tranh cử của ông.

Cứng rắn trong đối ngoại 

Những màn đối đầu căng thẳng bằng các tuyên bố chỉ đích danh và không nhân nhượng xảy ra giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc trong tuần trước, cùng các vụ thử tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên… khiến các câu hỏi xoay quanh chính sách đối ngoại dành cho Tổng thống Biden đặc biệt được quan tâm.

Về chính sách đối ngoại, ông Biden tuyên bố, Triều Tiên sẽ là vấn đề hàng đầu mà Mỹ phải đối mặt. Tổng thống Biden cảnh báo, hiện Mỹ đang tham vấn với các đối tác và đồng minh để đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa. 

Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden khẳng định chính quyền của ông không tìm kiếm một cuộc đối đầu, nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Tổng thống Biden nói về kế hoạch gồm 3 phần của Mỹ để có thể cạnh tranh, đối phó hiệu quả với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng lao động và ngành khoa học để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế, thực hiện cạnh tranh và thương mại công bằng. 

Thứ hai, là hợp tác với các đồng minh không phải để chống Trung Quốc mà là để buộc Trung Quốc tuân theo quy tắc. Trước đó, sau cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, giới phân tích cho rằng, chính quyền ông Joe Biden xác định mối quan hệ Mỹ - Trung là “cạnh tranh chiến lược”. Nhà Trắng đã củng cố quan hệ với các nước đồng minh và tạo ra một mặt trận thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền. 

Thứ ba, Tổng thống Biden nói sẽ không lùi bước trong việc lên tiếng về những giá trị dân chủ, nhân quyền.

Tin cùng chuyên mục