“Hộp đen” của ngành nông nghiệp thời chiến

“Hộp đen” của ngành nông nghiệp thời chiến

Bảo tồn các giống cây lương thực phù hợp với khí hậu của mỗi nước là điều không thể thiếu để khôi phục nền nông nghiệp sau chiến tranh.

  • Cứu trợ thông minh là gì?
“Hộp đen” của ngành nông nghiệp thời chiến ảnh 1

Những cánh đồng thuốc phiện như thế này ở Afghanistan sẽ dần được thay thế bằng những cánh đồng hạnh nhân. (Ảnh: AP)

Trước đây Abou Ghraib là trung tâm bảo tồn các giống cây trồng chính của Iraq và là địa phương được chọn làm nơi lựa giống chính trong chương trình cải cách nền nông nghiệp nước này.

Chính tại đây, do lo lắng cho tương lai của những giống cây trồng đã được chọn lọc kỹ lưỡng, các nhà nông học đã đóng gói trên 1.000 hạt giống khác nhau trong đó bao gồm cả những loại giống quan trọng như lúa mì thuần chủng Iraq, đậu giống Địa Trung Hải, đậu lăng và một số giống cây ăn quả, rồi gửi sang Alep, Syria cất giữ.

Năm 2003, sự hỗn loạn trong xã hội Iraq sau sự đánh chiếm của Mỹ và quân đồng minh đã khiến toàn bộ ngân hàng bảo tồn giống cây trồng ở Abou Ghraib bị phá hủy, trang thiết bị ở đây cũng bị cướp phá nặng nề.

“Chiếc thùng đựng “di sản” của nền nông nghiệp Iraq giờ trở thành một chiếc hộp đen”. - William Erskine, Giám đốc Trung tâm quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp trong các vùng khô cằn (ICARDA) có trụ sở tại Alep, cho biết. Khi tình hình Iraq đã đi vào ổn đỉnh thì cũng là lúc chiếc “hộp đen” kia được dùng vào việc khôi phục nền nông nghiệp Iraq và sẽ giúp nước này không còn phụ thuộc vào cứu trợ lương thực.

Chiếc hộp đen kia chứa cả một số giống có khả năng chịu khô hạn và mặn cực tốt. Có thể nói, các giống này không chỉ quan trọng cho Iraq hiện nay mà còn cho cả thế giới vì chúng có thể được áp dụng và gieo trồng ở các nước khác.

Câu chuyện đáng ngạc nhiên của “chiếc hộp đen” của ngành nông nghiệp Iraq không phải hy hữu. Các nhà nghiên cứu và các nhà thực vật học đã tiến hành một chiến lược được họ gọi là “Smart Aid” (cứu trợ thông minh). Afghanistan đang là một trong những nơi chính để thực hiện chiến lược. “Đây là bước đầu để tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh”-Ian Johnson, Chủ tịch Nhóm Tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), nhận xét.

  • Khôi phục nông nghiệp sau chiến tranh

Bằng cách đó, cách đây 4 năm, các nhà khoa học Nigeria đã cứu sống hàng trăm nghìn người khỏi nạn đói ở Trung Phi. Sắn củ là thực phẩm thiết yếu ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Congo (RDC). Nhưng khi một chủng virus mới gây bệnh khảm tấn công các giống cây này tại RDC, sau đó lan sang Uganda đã khiến hàng nghìn người có nguy cơ bị chết đói.

Thật may, lúc đó Alfred Dixon, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế về các giống cây trồng nhiệt đới tại Ibadan, Nigeria (IITA), vẫn còn trữ một giống sắn củ có khả năng kháng lại loài virus kia. Anh lập tức thuê một chiếc máy bay để chở hàng nghìn cây giống phân phát cho người dân RDC.

Cách đây 10 năm, Alexis Rumaziminsi, làm việc tại Viện Khoa học Nông nghiệp Rwanda đặt tại Butare, đã bảo vệ thành công những khoảnh đất trồng thử nghiệm cây đậu trên những ngọn đồi ở Rwerere khi nạn diệt chủng xảy ra.

Ngày nay các chuyên gia trong lĩnh vực này đang để tâm tới trường hợp Afghanistan. Dưới sự cai trị của quân Taliban, Afghanistan hầu như không có bất cứ hoạt động khoa học nào. Nhưng may thay, dưới sự dẫn dắt của Nasrat Wassimi, người hiện đang điều hành văn phòng của ICARDA tại Kabul, các nhà khoa học trước đây làm việc tại Trung tâm bảo tồn giống quốc gia đã quay trở lại làm việc.

Hiện giờ, các nhà khoa học Afghanistan đang tìm cách tạo ra những giống cây trồng mới từ số giống còn giữ lại được để giúp phục hồi ngành trồng cây ăn trái cũng như ngành trồng hoa vốn khá nổi tiếng của Afghanistan xưa kia.

Hiện các nhà khoa học đang đặt nhiều hy vọng vào cây hạnh nhân. Có thời, Afghanistan là trung tâm của thế giới về loài cây này với trên 60 giống địa phương khác nhau. Thật mừng là hầu hết các giống này được bảo tồn tại nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đang hy vọng nhập trở lại các giống hạnh nhân này cùng nghệ tây, thì là Ai Cập và các giống cây khác để thay thế cây thuốc phiện.

Nếu làm được như vậy, các nhà cứu trợ thông minh không những giúp ngành nông nghiệp Afghanistan phục hồi sau chiến tranh mà còn giúp thế giới dần thoát khỏi nạn ma túy, một phần lớn bắt nguồn từ những cánh đồng trồng cây anh túc ở đây. Các nhà cứu trợ thông minh cho rằng thế giới cần có một thị trường trao đổi tự do các giống cây trồng khác nhau. Điều này sẽ giúp người dân vẫn có thể tồn tại được trong thời kỳ chiến tranh nhờ có giống cây trồng từ chợ đen và phục hồi nhanh chóng nền nông nghiệp khi xung đột chấm dứt.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục