Hợp lệ nhưng không hợp pháp

THƯ LÊ
Hợp lệ nhưng không hợp pháp

>> Kiểm tra việc bị dọa khởi tố vì mua bán điện thoại “cùi bắp”

Vụ “điện thoại cùi bắp” xảy ra ở quận 10 (TPHCM) tuần qua đã có một kết cục “khẩu phục nhưng tâm không phục”, như cách nói của nhiều người. Theo đó, cuối cùng thì anh Dương Trọng Tiến - người bán “điện thoại cùi bắp” - đã được Công an quận 10 trả lại 40 chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) cũ, 38 đồ sạc điện thoại và các tài liệu. Tuy nhiên, Công an quận 10 vẫn quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh về hành vi kinh doanh ĐTDĐ không có giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Điều 57 và 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính, với số tiền phạt 2,5 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Nói về lý, có lẽ hành vi xử phạt như vậy là đúng pháp luật, đương sự khó lòng cãi, nên vợ chồng anh Tiến sau khi nộp phạt đã phải đến UBND quận 10 đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh với ngành nghề mua bán, sửa chữa ĐTDĐ, do vợ anh làm đại diện hộ kinh doanh. Theo dõi kết cục vụ việc, nhiều người… cười mỉm, vì từ một anh thợ sửa chữa ĐTDĐ nghèo trong xóm nhỏ, bỗng chốc anh Tiến đã “lên đời” là hộ kinh doanh cá thể hẳn hoi - điều mà trong tâm anh chưa bao giờ nghĩ, thậm chí không dám nghĩ đến.

Có thể nói luật không sai, việc xử phạt cũng không trật, nhưng nếu “căng kéo” theo luật, thì không riêng anh Tiến, mà “phải phạt cả làng”. Có nghĩa, hàng ngàn bà con mua gánh bán bưng ở vỉa hè và ở hàng trăm chợ lớn nhỏ trong thành phố, đến hàng ngàn chị em xe đẩy tay bán cóc ổi, mía ghim sẽ đồng loạt “lên đời” thành hộ kinh doanh nếu không muốn rơi vào cảnh dở khóc dở mếu như anh Tiến. Bởi lẽ họ mua bán hợp lệ nhưng không hợp pháp, vì không đăng ký kinh doanh. Và còn nhiều trường hợp tương tự, như người mua bán, sửa chữa, làm dịch vụ nhỏ lẻ, bán cà phê giải khát vỉa hè, gánh hàng quà vặt buổi sáng, làm giúp việc theo giờ, vá xe, bán thuốc lá… trong các con xóm lao động.

Luật không sai, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với thực tế, đặc biệt “kinh tế vỉa hè” là nét đặc thù ở nước ta. Thử hỏi, một xe đẩy tay cũ kỹ với vốn liếng chưa đầy vài ba trăm ngàn đồng, một bàn sửa điện thoại rộng chừng một mét vuông đặt trong góc nhà, một chiếc bàn cà phê trong con hẻm nhỏ eo sèo… cũng là “hộ kinh doanh”. Cơ quan chức năng xử phạt, đương sự phải chấp hành, tuy nhiên, một giải pháp hợp lòng dân và phù hợp với đặc thù xã hội chính là cơ quan chức năng cần hướng dẫn, giải thích, tạo điều kiện để người dân hướng tới mua bán hợp pháp, hơn là sử dụng công cụ xử phạt. Chuyện hợp lệ mà không hợp pháp là khá phổ biến. Hàng ngàn hộ dân mua nhà đất của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nhà do mình mua, số nhà là đúng nhưng kẹt tiền, muốn mua bán hay cầm cố cũng không được do chưa có sổ hồng. Dân kêu ròng rã từ năm này qua năm kia nhưng không ai giải quyết, thậm chí có doanh nghiệp bất động sản đã giải thể từ lâu mà cũng chẳng ai buồn “sờ gáy” để… xử phạt.

Từ câu chuyện “điện thoại cùi bắp”, nhiều ý kiến đề nghị nhà nước, cụ thể đây là các cơ quan chức năng liên quan cần “nắm người có tóc hơn túm thằng trọc đầu” .

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục