(SGGPO).- Hôm nay (30-9), Sở GTVT TPHCM đã tổ chức hợp long công trình xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía đông, quận 9. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đến dự và chứng kiến lễ hợp long.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, công trình cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía đông được khởi công ngày 4-2-2015 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2016. Hiện đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ phần mố, trụ cầu, sàn giảm tải sau mố và hoàn thành lắp đặt toàn bộ 3 nhịp vòm thép cầu chính (60m+80m+60m) và 10 nhịp dầm cầu dẫn. Phần đường đã hoàn thành hạng mục đắp cát nền… Cầu Rạch Chiếc dài 540,9m, rộng 19m cho 4 làn xe lưu thông, tĩnh không thông thuyền cao 6m, được thiết kế chống động đất cấp 7, có tuổi thọ 100 năm, với tổng số vốn đầu tư 523 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân dự lễ hợp long cầu Rạch Chiếc sáng ngày 30-9
Tại lễ hợp long, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đây là dự án được đầu tư xây dựng theo phương thức (đầu tư - chuyển giao) nhà thầu ứng vốn thi công trước, ngân sách trả chậm và có tính lãi suất vay ngân hàng. Cầu Rạch Chiếc hoàn thành sẽ tạo sự phát triển cho Khu công nghệ cao TP vì rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa về Tân Cảng, Cát Lái còn khoảng 8km, thay vì đi đường vòng ra Xa lộ Hà Nội về cảng dài 14km như trước.
Sau khi hoàn thành dự án cầu Rạch Chiếc, TP sẽ tiếp tục đầu tư đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Rạch Chiếc ra đến ngã tư Bình Thái - Xa lộ Hà Nội và từ Xa lộ Hà Nội kết nối vào dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng), nhằm hoàn thành xây dựng đường Vành đai 2 của TPHCM.
Cũng theo Sở GTVT TPHCM, việc xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía đông nhằm góp phần khép kín đường Vành đai 2 theo "Quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020" đã được Thủ tướng phê duyệt; đồng thời kết nối Vành đai phía đông với Khu công nghệ cao và Xa lộ Hà Nội giúp giảm bớt lượng xe xuyên tâm cũng như phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.
Theo Khu quản lý đô thị số 2, dù theo quy hoạch đường Vành đai phía đông phải kết nối ra ngã tư Bình Thái (Thủ Đức), nhưng hiện vị trí này mặt bằng dân cư quá đông và phải xây dựng nút giao Bình Thái chi phí trên 4.000 tỷ đồng nên rất khó triển khai trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, thành phố đã chọn phương án kết nối đường Vành đai phía đông vào Khu cao nghệ cao và Nút giao trạm 2.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 70km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ nối vào đường Vành đai phía đông ra đến ngã tư Bình Thái, sau đó băng qua ngã tư Gò Dưa, nối vào Quốc lộ 1, đi qua nút giao Tân Tạo, theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để vào đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô thành phố. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quốc Hùng