60% chất thải chưa được xử lý triệt để đang thải ra môi trường! Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là khẳng định của Giáo sư Peter Droege, Chủ tịch Hội đồng Thế giới về năng lượng tái chế. Điều đáng nói, Việt Nam lại là một trong 10 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu. Do vậy, phát triển kinh tế xanh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng là giải pháp cấp thiết để tạo nên sự bền vững cho cuộc sống.
Nhìn đúng thực tế để sửa sai
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, quan điểm hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế trước đây đã và đang trở thành bài học đắt giá của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là hiện nước ta cần xử lý triệt để trên 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gần 3.000 cơ sở ô nhiễm mới phát sinh. Không dừng lại đó, 118/260 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào vận hành (chiếm 45%); chỉ có 7/64 tỉnh thành có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung; 335 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chưa được xử lý; khoảng 2.100 làng nghề chưa được đầu tư HTXL chất thải đạt yêu cầu… Đó là chưa kể đến những vấn đề rác thải sinh hoạt đô thị, chất độc hóa học… đang là những vấn đề bức xúc.
Thực trạng trên cộng với dân số tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế hiện còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu đã và đang gây ra những tác hại hết sức nghiêm trọng cho môi trường. Cụ thể, hàng năm có hơn 1 tỷ mét khối nước thải chưa được xử lý triệt để thải ra môi trường. Hiện lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và gần như toàn bộ hệ thống kênh rạch thuộc khu vực nội thành của các tỉnh thành đều đã bị ô nhiễm nặng… Dự báo trong thời gian tới, lượng nước thải ô nhiễm sẽ tăng hàng chục lần.
Riêng về chất lượng không khí, PGS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, những thành phố lớn của nước ta như TPHCM và Hà Nội bị xếp vào tốp 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Còn về diện tích rừng cũng đang bị giảm diện tích đáng kể. Không đầy 50 năm, rừng ngập mặn ở nước ta suy giảm ¾ diện tích…
Lý giải về những tồn tại trên, ông Bùi Cách Tuyến cho biết thêm, một phần cũng do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được hoàn thiện. Việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường cũng chưa thật sự nghiêm chỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường thiếu về số lượng, chuyên môn nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu thực tế.
Nhiều ưu đãi đặc biệt chờ doanh nghiệp xanh
Thực trạng trên cùng với sự gia tăng phát thải khí nhà kính đã và đang làm cho môi trường toàn cầu ngày càng xấu đi. Đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người. Việt Nam tuy không phải là nước có mật độ phát thải nhà kính cao, nhưng theo dự đoán lại là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, phát triển bền vững là một trong những chiến lược đã được Chính phủ thông qua. Trong thời gian tới, ngoài việc xây dựng bộ luật hoàn chỉnh về môi trường; tăng cường mạnh mẽ các giải pháp cưỡng chế thi hành pháp luật, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm.
Giáo sư Peter Droege nói, Việt Nam có thể bắt đầu phát triển kinh tế xanh với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp – vốn đang là ưu thế của Việt Nam trên thị trường thế giới. Bằng cách quy hoạch lại quy mô trồng lúa, tăng cường sử dụng những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường… Riêng trong lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, hiện Việt Nam sẽ dành nhiều ưu đãi đặc biệt về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện… cho các nhà doanh nghiệp (DN) đầu tư vào phát triển năng lượng sạch. Trước đó, tại Việt Nam DN hoạt động trong lĩnh vực này còn được miễn, giảm thuế thu nhập DN. Ngoài ra, DN cũng được hỗ trợ chi phí xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia.
Việt Nam hiện có 88 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới. 30% dân số Việt Nam đang sống ở đô thị và tăng lên 60% vào năm 2050. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ rất cao. Theo tính toán của ngành điện, đến năm 2030 mức tiêu thụ điện/đầu người nước ta chỉ mới bằng ½ sản lượng điện được tiêu thụ của Hàn Quốc vào năm 1996. Tuy nhiên không phải vì thế mà Việt Nam phát triển bằng mọi giá mà sẽ tập trung khuyến khích ưu tiên phát triển kinh tế xanh.
Minh Xuân – Hải Thanh