NÔNG NGHIỆP TPHCM PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH NÀO?

HTX phải hiệu quả và minh bạch

TPHCM đã xác định mô hình phát triển chủ đạo để nông nghiệp thành phố phát triển thời gian tới là kinh tế tập thể, cụ thể là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). 
Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ nhà nước, HTX bò sữa Tân Thông Hội xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại. Ảnh: THANH HẢI
Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ nhà nước, HTX bò sữa Tân Thông Hội xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại. Ảnh: THANH HẢI
Nhưng tổng doanh số nông nghiệp thông qua HTXNN còn rất khiêm tốn, chỉ đứng thứ 3 (5%) sau kinh tế hộ (77%) và doanh nghiệp (15%), chỉ hơn trang trại (3%). Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặt vấn đề, phải làm thế nào để thay đổi căn bản việc chuyển đổi này, có những biện pháp và sự quyết liệt chưa nhằm thực hiện hiệu quả. 

Khó tiếp cận vốn và đầu ra

Theo Bộ NN-PTNT, thành viên các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cả nước chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 5% lao động nông nghiệp, trong khi ở các nước từ 80% - 90%, về lý thuyết HTX còn nhiều dư địa để phát triển. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh các HTX, năm nay Bộ NN-PTNT thí điểm đưa 400 cán bộ KHKT về các HTX nông nghiệp, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính phủ và riêng TPHCM có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện HTX nông nghiệp hoạt động. Đó là chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi… Nhưng từ chủ trương đến thực tế còn khoảng cách. 

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Xuân Lộc, quận 12, cho biết, năm 2016 HTX đầu tư 2.000m² nhà lưới trồng rau thủy canh, đầu tư thêm 500 triệu đồng mở 2 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, 150kg rau thủy canh thu hoạch hàng ngày của HTX được tiêu thụ hết trong khi nhu cầu thị trường cho thấy vẫn còn có thể tăng sản lượng tiêu thụ. Cái khó của HTX là vốn để mở rộng sản xuất và ứng dụng quy trình kỹ thuật - công nghệ. 

Mới thành lập như HTX Trường Thịnh, sản xuất theo hướng hữu cơ gặp khó khâu tiếp cận vốn và đầu ra. Theo ông Võ Thanh Dũng, Phó Giám đốc HTX Trường Thịnh, nhà nước có chính sách hỗ trợ 30% kinh phí làm nhà lưới nhưng để tiếp cận chính sách thật không đơn giản. HTX tập hợp, liên kết các hộ nhỏ để cùng ứng dụng công nghệ cao, làm cầu nối chuyển giao công nghệ đến từng thành viên, cũng như kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp... Tuy nhà nước khuyến khích nông dân liên kết bằng cách vào HTX để sản xuất thuận lợi hơn nhưng lại chưa thực sự liên thông để tạo điều kiện cho HTX có thể phát triển như chủ trương. 

Theo những người trong cuộc, cần tháo gỡ cho được 6 vướng mắc mà hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay gặp phải. Đó là vấn đề nhận thức chưa đúng về HTX, nguồn nhân lực, vốn và cơ sở vật chất, việc tiêu thụ sản phẩm, vấn đề đất đai, và cơ chế cùng chính sách hỗ trợ của nhà nước làm sao HTX tiếp cận được. Một khi những vướng mắc này được giải quyết sẽ tiếp thêm động lực để HTX nông nghiệp phát triển mạnh hơn, rộng hơn. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Trần Ngọc Hổ cho rằng, dù TP có nhiều chính sách nhưng để HTX có thể tiếp cận các chính sách, nhất là về nguồn vốn, cần phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với thực tế. Theo Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Dũng, động lực để phát triển HTX là hệ thống chính sách phù hợp với thực tế, nhưng ngoài vốn mồi của TP, HTX cũng phải tự thân phấn đấu, đó mới là điều quan trọng. 

Xây dựng HTX nông nghiệp điển hình

Việc thành lập các HTX xuất phát từ nhu cầu liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; gắn bó, tạo sự tin tưởng của xã viên; có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; lãnh đạo HTX là những người có tâm huyết, năng lực, đoàn kết với xã viên. Đó là những nét chung của 24/41 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả (58,5%) tại TPHCM, trong số này có 7 HTX tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đây là những HTX biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, chủ động tìm kiếm hướng kinh doanh mới. Với những HTX còn lại hoạt động chưa hiệu quả đều có chung những điểm khá tương đồng, đó là nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý thiếu và yếu về năng lực quản trị điều hành; chưa có sự thống nhất phương án sản xuất... 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, cần khẳng định, sản xuất tập thể (vào HTX) nhưng không phải sở hữu tập thể. Các thành viên vẫn làm chủ và sản xuất trên diện tích của mình. HTX cũng không làm thay việc của các thành viên có thể làm như sản xuất... HTX chỉ giải quyết những vướng mắc của hộ cá thể là tiêu thụ, thông tin thị trường, cung cấp vật tư đầu vào giá thấp hơn thị trường... Yếu tố có tính quyết định sự tồn tại của loại hình này là chứng minh cho nông dân thấy được hiệu quả của HTX mang lại cho từng thành viên chứ không phải dừng lại hiệu quả cho HTX. Vì vậy hoạt động của HTX cần phải minh bạch và hiệu quả. Điều quan trọng là cần xây dựng HTX điểm là mô hình để nông dân có thể tìm hiểu, tự nguyện xin vào HTX, từ đó nhân rộng. 

Sau đợt khảo sát, ngành nông nghiệp TP đang xây dựng và dồn sức đầu tư cho 7 HTX NN tiên tiến, hiện đại ở 5 huyện ngoại thành từ năm 2017. Các HTX này được tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm như: nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy chế biến thực phẩm, các trạm sữa, nhà sơ chế rau, nhà sơ chế đóng gói, xây dựng ao nuôi, trụ sở làm việc. Các HTX còn đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ mới, khảo sát, học tập kinh nghiệm các HTX hiệu quả trong và ngoài TP, hỗ trợ để tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về cách thức vận hành HTX... Tổng kinh phí xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại từ nhu cầu của 7 HTX mà 5 huyện tổng hợp vào khoảng 2.300 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục