Không kèn khua trống gõ, không có bất kỳ lời giới thiệu, không một chiếc ghế nào được bày ra, buổi họp mặt giữa bà Năm Quấc - người phụ nữ đã thầm lặng suốt 10 năm liền trao tặng những phần học bổng ý nghĩa giúp sinh viên nghèo hiếu học của Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng cùng hơn 30 y bác sĩ “tương lai” đến từ hai trường ĐH Y Dược TPHCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra trong không khí sôi nổi, đậm ân tình và ấm áp sẻ chia.
Trên khoảng sân nhỏ rộng chưa đầy 20m2, các bạn sinh viên thoải mái ngồi bệt trên sàn, chuyền tay nhau từng củ khoai lang luộc, chai nước suối để kể cho nhau nghe về những buồn vui trong cuộc sống, cũng như những bài học đối nhân xử thế đã học được từ bà.
Bà Năm Quấc (ngồi bìa bên phải).
Bạn Hà Quang Vinh, sinh viên năm nhất, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ câu chuyện bà Năm đã dạy bạn bài học về sự giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. “Tại sao chúng ta luôn khó chịu khi phải ngồi ăn trên đống rác nhưng lại xem hành động cất rác vào giỏ đem về nhà là cá biệt? Tại sao phải hổ thẹn mà không phải tự hào vì mình đã có hành động mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng?”, Quang Vinh đặt câu hỏi.
Còn Võ Hồng Vân Anh, cô bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp năm 2013, hiện công tác tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM lại chọn câu chuyện “Lời cảm ơn của bác sĩ” để chia sẻ cùng các bạn. Vân Anh nói, từ trước đến giờ sau khi kết thúc quá trình thăm khám, chỉ có bệnh nhân cảm ơn bác sĩ nhưng hiếm có khi nào bác sĩ chịu nói lời cảm ơn bệnh nhân. Nhưng từ thực tế làm việc của mình, cô bạn trẻ cho biết: “Y học hiện nay đang phát triển nhờ nhu cầu của bệnh nhân. Do đó, không chỉ bệnh nhân được hưởng lợi từ sự chữa trị của bác sĩ mà ngay cả bác sĩ cũng học được nhiều điều, trưởng thành hơn trong sự nghiệp nhờ việc thăm khám cho bệnh nhân. Chính vì lý do đó, đã từ lâu mình tập thói quen cảm ơn bệnh nhân như bất kỳ người phục vụ trong các lĩnh vực khác đối với khách hàng của mình”.
Xen kẽ vào những câu chuyện kể là những bài hát không đầu, không cuối của các bạn sinh viên. Ở đó, người hát đôi khi có thể quên lời, người nghe kiêm luôn nhiệm vụ “nhắc tuồng”, tạo bè phối nhưng điều quan trọng mà các bạn sinh viên dành tặng cho nhau chính là tấm lòng, niềm hạnh phúc vì được chia sẻ.
Sinh viên Phan Thanh Vân, năm thứ 5, ĐH Y Dược TPHCM cho biết, đây là lần thứ 4 em tham gia họp mặt ở nhà bà Năm. Trái với cảm giác tự hào, sung sướng sau khi vừa được nhận học bổng của năm đầu tiên, những lần đến nhà bà Năm sau này đều là những dịp nhắc nhở em phải sống và học tập sao cho xứng đáng với những gì bà và các anh chị sinh viên lớp trước đã truyền lại. Vân chia sẻ: “Chính nhờ những câu chuyện về bài học làm người của bà Năm và các anh chị đã giúp em hiểu phải sống thế nào để trở thành một người tốt, hãy sống tốt trước đã rồi chính sự trưởng thành sẽ giúp tụi em trở thành người có ích, có thể đóng góp cho cộng đồng và xã hội”.
Cậu sinh viên gầy gò nhưng có đôi mắt rất sáng, khuôn mặt tràn đầy tự tin Bùi Văn Tuấn, năm thứ 2, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại chọn cách đền đáp Học bổng Nguyễn Văn Hưởng và công ơn bà Năm bằng cách tự hứa sẽ học thật giỏi, tìm ra nhiều phương pháp trị bệnh nhanh, đỡ tốn kém, giảm thiểu đau đớn của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chữa trị đắt tiền.
Tuy diễn ra trong hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng chính nhờ không khí ấm áp, thân tình của buổi họp mặt đã khiến các bạn sinh viên quyến luyến không muốn về. Có thể một ngày nào đó “mặt trời” sẽ tắt nắng, nhưng từ ánh hào quang của nó sẽ có những vầng dương khác bừng lên. Chưa ai nói trước được hành trình của một quỹ học bổng, nhưng tôi và tất cả sinh viên có mặt ngày hôm đó đều tin rằng chỉ cần có tấm lòng, cuộc sống sẽ là những chuỗi dài sẻ chia...
Ngồi ở góc sân lắng nghe hết những lời chia sẻ, tâm sự của các bạn, ánh mắt bà Năm Quấc như sáng lên sự tự hào và niềm hãnh diện. Ít có ai biết mỗi năm cứ đến ngày họp mặt là người phụ nữ “gần 90 cái xuân xanh” lại vui đến mất ngủ. Dịp này, bà đã gửi đến các bạn sinh viên 5 chữ làm hành trang trong cuộc sống là SẠCH (sạch sẽ trọn cuộc đời, sạch từ vóc dáng bên ngoài đến sạch ở lương tâm) - TỰ (tự làm, tự giải quyết và tự vươn lên) - QUYẾT (có khả năng quyết định mọi biến cố của cuộc đời) - QUẢN LÝ (biết quản lý thì giờ) và cuối cùng là THƯƠNG (hãy học cách thương người, thương hết mọi buồn vui trong cuộc sống). Sau cùng bà đọc cho các bạn nghe bài thơ tự làm về chữ TÂM như dành tất cả sự kỳ vọng của mình vào thế hệ trẻ: “Độc tự thế mà hay / Thành bại hư nên bởi chữ này / Tuổi trẻ gắng rèn già cố giữ / Cuộc đời gắn trọn cả vào đây”. |
THU TÂM