
Bài quyền chỉ kéo dài chưa tới 2 phút biểu diễn với chừng 46-50 động tác. Nói là “võ gà” nhưng đòn chân rất ít, chủ yếu bằng tay. Tay làm thay cả chân, cả mỏ và móng vuốt… với những động tác mổ, móc, đâm, xoắn, đá, kèo…
Chuyện xưa kể rằng, chiến thắng lừng lẫy Đống Đa – Ngọc Hồi của vua Quang Trung trước 20 vạn quân Thanh mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu cách đây 216 năm có sự góp công của bài võ “Hùng kê quyền” này. Võ sư Huỳnh Kim Hồng, Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh Phú Yên, kể: “Tương truyền, đây là thế võ do Nguyễn Lữ (em vua Quang Trung) sáng chế. Ông đã nghiên cứu các thế đánh của đôi gà chọi, từ đó chọn lọc các miếng đánh hiểm có thể hạ thủ nhanh chóng đối phương, tạo thành bài “Hùng kê quyền” lưu truyền đến tận hôm nay”.

Võ sư Huỳnh Kim Hồng với các thế võ của bài Hùng kê quyền.
Người xưa học võ luôn nhớ câu “Túc bất ly địa”, tức hạn chế tối đa việc rời chân khỏi mặt đất. Do thể trạng người Việt thân hình không cao lớn nên những thế võ “nhản” (đánh từ xa) là tối kỵ, chỉ dùng các thế đánh gần, đánh xáp lá cà và thắng nhờ sự tinh nhanh. “Hùng kê quyền” cũng vậy. Không đánh ồ ạt đối phương, động tác lại khá đơn giản và thường lặp lại, không uyển chuyển và hoa mỹ như một số bài quyền khác của võ dân tộc.
“Tuy nhiên, bài võ này buộc người tập phải có nội công thuộc hàng thâm hậu bởi sử dụng đòn thế mạnh và phải chuyên luyện. Mục tiêu chủ yếu của nó là các huyệt đạo từ ngực trở lên mặt. Chỉ bằng một, hai động tác mổ, thọc, xoắn hay móc là có thể chế ngự được đối phương. Đồng thời, người luyện “Hùng kê quyền” phải có óc phán đoán và xử lý tình huống nhanh bởi cùng với việc né tránh đòn đối phương trong phòng thủ thì cách ra đòn tấn công nhanh chóng và chuẩn xác là yêu cầu tối thượng” – võ sư Hồng nói.
Nói như vậy để thấy rằng tập “võ gà” không phải là chuyện dễ và không phải môn sinh nào cũng được thầy truyền. Theo võ sư Hồng, phải là người có trình độ hướng dẫn viên trung cấp trở lên mới có đủ yếu tố về kỹ thuật để học bài võ này nhưng đó cũng chưa phải là điều kiện quyết định. Điều bắt buộc hàng đầu của võ sinh học bài võ này là phải có tư cách đạo đức tốt. “Ông cha ta tạo ra “Hùng kê quyền” là để giết giặc nên khả năng gây nguy hiểm cho đối phương của bài võ này cực lớn. Người tâm không sáng, thiếu tinh thần thượng võ không bao giờ được thầy chỉ dạy bí quyết bài võ này” – võ sư họ Huỳnh tâm sự.
Sau khi Tây Sơn thoái trào, Nguyễn Ánh lên ngôi đã tận diệt tất cả những gì liên quan đến triều đại này, trong đó có các bài võ. Chưa hết, thời Pháp đô hộ, thực dân cũng không cho dân ta tập luyện võ nghệ nhưng với những ưu thế của mình, “Hùng kê quyền” vẫn sống trong dân chúng, lưu truyền đến ngày nay. Năm 1991, trong cuộc “sát hạch” của khoảng 100 bài võ dân tộc để Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn 10 bài quyền cơ bản phổ biến trong cả nước và nhiều nước khác, bài “Hùng kê quyền” mà võ sư Ngô Bông của Quảng Ngãi đem đến đã được tuyển chọn
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG