“Hung thần” trên sông nước miền Tây

Những chiếc ca nô, tàu cao tốc chạy xé nước là “hung thần” trên sông nước miền Tây, bởi nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do loại phương tiện này gây nên…
“Hung thần” trên sông nước miền Tây

Những chiếc ca nô, tàu cao tốc chạy xé nước là “hung thần” trên sông nước miền Tây, bởi nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do loại phương tiện này gây nên…

Chuyến du lịch kinh hoàng

Liên quan đến vụ tai nạn ca nô chở đoàn khách Việt kiều Úc từ TPHCM đi du lịch ở Đất Mũi, trên đường về gặp nạn tại ấp Sắc Cò (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vào trưa 24-11, lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn, đồng thời kiểm tra điều kiện hoạt động của dịch vụ ca nô Hồng Hân (chủ phương tiện gây ra vụ tai nạn).

Theo báo cáo nhanh của Công an tỉnh Cà Mau: thời điểm ca nô Hồng Hân gặp nạn có 9 người. Trong đó, 2 người chết là Đặng Phước Đại (25 tuổi, quê Khánh Hòa, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Việt Vui, trụ sở tại quận 1, TPHCM) và tài công là Lý Sơn (18 tuổi, quê Cà Mau, nhân viên lái ca nô Hồng Hân). 7 người còn lại (6 Việt kiều Úc) bị thương… Ông Chúc Gia Qui (62 tuổi, Việt kiều Úc) vẫn còn bàng hoàng và ám ảnh vụ tai nạn vừa mới xảy ra. Trên giường bệnh, ông Qui kể: “Lâu nay nghe nói Đất Mũi chứ tôi chưa một lần đến, vì vậy lần này khi về nước tôi đã thu xếp đi một lần cho biết. Từ Sóc Trăng, chúng tôi đi ô tô đến thị trấn Năm Căn rồi thuê ca nô đi Đất Mũi. Tham quan xong cả đoàn cùng về, tôi ngồi ở phía sau. Ca nô xuất phát chừng 15 phút, đang chạy tốc độ cao trên sông thì nghe một cái “gầm”, ca nô gãy mũi, lật úp, mọi người văng hết cả xuống sông”. Còn vợ ông Qui (bà Chúc Danh) nói: “Lúc đi chúng tôi rất thích thú, ngồi ca nô nhìn cảnh xung quanh rất thú vị. Nhưng sau chuyến đi lần này thì tôi sợ luôn”. Sau đó, vợ chồng ông Qui cùng những người khác đã được đưa lên TPHCM tiếp tục điều trị.

Tàu cao tốc là một trong những “hung thần” trên sông nước Cà Mau

Trên địa bàn sông nước miền Tây, phương tiện ca nô, tàu cao tốc là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Các loại phương tiện này thường chạy với tốc độ “xé gió” khi gặp những tình huống bất ngờ khó xử lý kịp thời và dễ xảy ra tai nạn. Cũng trên tuyến đường thủy từ thị trấn Năm Căn - Đất Mũi, cách đây hơn 3 tháng (ngày 10-8) cũng xảy ra một vụ tai nạn làm chết một người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này là tài công lái ca nô chạy với tốc độ cao, thiếu quan sát đã đâm vào chiếc vỏ lãi đang lưu thông trên sông Cái Lớn làm văng một người xuống sông dẫn đến tử nạn.

Tăng cường kiểm soát

Cũng là “hung thần” sông nước, mới đây những người đi trên tàu cao tốc Ánh Ngọc, từ Cà Mau đi Kiên Giang một phen “hú vía” khi tàu cao tốc va chạm chiếc sà lan trên kênh xáng Chắc Băng (đoạn thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Khi tai nạn xảy ra chiếc tàu cao tốc lật chìm, rất may người dân địa phương phát hiện kịp thời nên đã vớt được những người bị nạn lên bờ, dù không có án mạng xảy ra nhưng đã làm bị thương 3 người, những người còn lại “hồn vía lên mây”. Trung tá Lê Minh Bàn, Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Cà Mau, cho biết đối với các phương tiện đường thủy thì không quy định tốc độ. Tuy nhiên, luật có quy định là đến những khu vực ngã ba, ngã tư hay những chỗ khuất tầm nhìn yêu cầu người lái phương tiện thủy phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

Nói về vụ tai nạn ca nô vừa mới xảy ra, Trung tá Bàn cho biết chưa thể đưa ra kết luận nguyên nhân vụ tai nạn ngay được. “Tôi cũng thấy khó hiểu vì tuyến đường này nhiều tài công lái ca nô thuộc như lòng bàn tay, nhưng không hiểu sao mà tông trực diện vào chân cầu dẫn đến tai nạn. Đối với tàu cao tốc và ca nô hoạt động đưa đón khách, chúng tôi thường xuyên kiểm tra trang thiết bị an toàn, bằng lái. Tuy nhiên, đối với phương tiện này thường chạy với tốc độ nhanh, vì vậy ý thức tài công là rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn”, Trung tá Bàn nói.

Trung tá Bàn cũng cho biết, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy, tới đây đơn vị sẽ tăng cường hơn việc phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra.

Theo báo cáo Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Cà Mau từ tháng 11-2014 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 4 người, 5 người bị thương (chưa tính vụ tai nạn xảy ra ngày 24-11 làm 2 người chết, 7 người bị thương).

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục