Theo đó, kiểm tra đánh giá định kỳ được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh. Kiểm tra đánh giá định kỳ gồm kiểm tra đánh giá giữa kỳ và kiểm tra đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua các hình thức bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành hay dự án học tập. Thời gian thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ 45 - 90 phút, riêng môn chuyên có thể tối đa 120 phút.
Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận đề, đáp ứng mức độ cần đạt của môn học và hoạt động giáo dục theo quy định. Bài kiểm tra đánh giá định kỳ phải đảm bảo yêu cầu kiểm tra theo diện rộng (mức độ nhận biết và thông hiểu) của kiến thức và kỹ năng, đồng thời đảm bảo mức độ sâu và phân hóa (vận dụng và vận dụng cao kiến thức).
Đối với trường hợp giáo viên sử dụng kết quả đánh giá các dự án học tập hoặc bài thực hành quy đổi thành điểm kiểm tra đánh giá định kỳ, phải đảm bảo các dự án học tập. Bài thực hành được tổ chức thực hiện theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học, có đầy đủ tiêu chí đánh giá như quá trình tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập; kết quả đánh giá giữa học sinh với nhau và kết quả đánh giá của giáo viên với học sinh… Nhà trường xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá học sinh, có điều chỉnh, bổ sung hàng năm phù hợp tình hình thực tế tại cơ sở.