Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cùng các nhà khoa học Đức vừa công bố hai cuốn sách “Hướng dẫn về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” và “Cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với BĐKH”. Theo nhiều chuyên gia, đây là hai cuốn sách rất bổ ích cho công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch trên địa bàn TPHCM. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu trước đến bạn đọc cuốn Hướng dẫn về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với BĐKH TPHCM.
Quản lý nước - việc đầu tiên
Là một thành phố có cao độ thấp so với mặt nước biển nên để phát triển bền vững, việc đầu tiên TPHCM cần làm trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị là… quản lý nước.
Theo tài liệu Hướng dẫn về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với BĐKH, TPHCM có thể quản lý nước theo các phương thức sau. Trước hết, phải xác định các khu vực và các điểm ngập ngay trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị của thành phố và của từng quận, huyện. Đây sẽ là thông tin có tính chất cảnh báo cho ngành chức năng trước khi có các quyết định về đầu tư và phát triển khu dân cư mới. Bên cạnh đó, hệ thống sông, kênh rạch phải được giữ gìn và trả lại hiện trạng tự nhiên. Những vật cản như rác, cây ngã đổ… phải được trục vớt. Hạn chế xây dựng các công trình có khả năng làm chuyển dòng chảy của nước. Các biện pháp can thiệp làm thay đổi hiện trạng tự nhiên của sông, kênh rạch như nạo vét lòng sông, mở rộng chiều ngang của sông… nên hạn chế thực hiện và nếu cần phải can thiệp, nên có sự đánh giá đến những vấn đề có thể xảy ra trước khi quyết định. Trả lại các đường cong tự nhiên cho bờ sông cũng là một giải pháp quan trọng để tăng khả năng chứa nước của sông, giảm chiều cao đỉnh lũ, giảm tốc độ dòng chảy và giảm phù sa lắng đọng. Kết nối lại sông, kênh với những vùng ngập lũ tự nhiên để tăng khả năng chứa nước. Việc làm bờ kè sông chỉ nên thực hiện ở những khu vực có rủi ro về sạt lở. Thiết kế bờ kè nên theo xu hướng “copy” tự nhiên và sử dụng các vật liệu tự nhiên như dùng bó đá có trồng cây để làm kè, tạo khe hở cho nước thẩm thấu. Bằng cách này, phù sa sẽ được cung cấp tự nhiên cho cây cỏ mọc dọc theo kè sông, tạo vẻ đẹp tự nhiên cho bờ sông.
Nhằm giảm mực nước trong các sông, kênh trong trường hợp ngập lụt, TPHCM nên phát triển một hệ thống hồ điều tiết nước. Nước lũ dâng cao trong các sông, kênh sẽ được dẫn dòng chảy về các hồ điều tiết và sẽ trả lại vào sông kênh khi thời điểm ngập đã qua. Cùng với hồ chứa nước, các vùng đầm lầy chứa nước cũng nên được quan tâm đầu tư. Các vùng đầm lầy chứa nước nên được thiết kế như các hồ nước mặt nhưng là hồ cạn, các loại cây có thể mọc để có thể lọc các chất cặn, chất ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Trong trường hợp cần thiết, cũng có thể hình thành các hồ chứa nước tạm ở công viên, sân trường, sân thể thao, bãi đỗ xe…
Tránh để nước chảy tràn, gây ngập nên gia tăng diện tích bề mặt thấm nước bằng cách trồng cỏ hoặc cây có bộ rễ chùm. Nước chảy trên bề mặt có thể giảm tới 50% nếu có một lớp thực vật nêu trên hút nước, dày chừng 300mm phủ bề mặt đất. Để giảm lượng nước mưa chảy tràn, nước mưa nên được thu hoạch và tái sử dụng. Nước mưa nên được lưu trữ trong các bể chứa sau đó có thể được sử dụng làm nước tưới cây, rửa chén, dội nhà vệ sinh…
Xây dựng… thông minh
Trong những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi triều cường và có chức năng chứa nước giúp thoát lũ, nên xác định những khu vực cấm xây dựng hoàn toàn. Bất cứ sự can thiệp nào ảnh hưởng đến chức năng này đều bị cấm. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả quỹ đất, trong những trường hợp cần thiết, việc xây dựng vẫn có thể tiến hành nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ. Khuyến khích các hình thức sử dụng đất thân thiện với môi trường như dành đất để làm nông nghiệp, xây công viên, sân chơi, nhà chống lũ… Các công trình xây dựng trong vùng ngập lụt cần nâng nền. Chiều cao thiết kế cho nâng nền cần tham khảo ý kiến các chuyên gia môi trường và nên tính toán theo chiều cao lũ trong tương lai. Chiều cao nâng nền sẽ cao hơn mực nước ngầm hiện hữu và vật liệu nâng nền có thể là sỏi hoặc cát. Để tăng khả năng thích ứng với ngập lụt, tường và nền nhà của công trình trong vùng ngập lụt nên được thiết kế bởi vật liệu chống thấm theo kỹ thuật hiện đại. Chiều cao của vật liệu tường chống thấm phải cao ít nhất 50cm trên mức lụt cao nhất. Bậc cửa cũng nên được thiết kế cao nhất có thể. Nên lắp đặt thêm cửa và vách ngăn ngập di động tại các tường bao, cửa đi và cửa sổ. Vật liệu làm các cửa, vách chắn ngập cũng nên là các vật liệu chống thấm hiện đại. Một phương pháp xây dựng khác không dùng phương thức nâng nền để chống ngập cũng nên được lựa chọn khi xây dựng công trình trong vùng ngập là: xây trên cột (tương tự nhà sàn - PV) hoặc dùng luôn tầng trên của ngôi nhà làm nơi chứa nước trong tình huống bị ngập lụt. Khi hết ngập lụt, tầng trệt được dọn dẹp lại để có thể làm các chức năng khác như nhà kho, nơi đỗ xe… Để hạn chế các bề mặt không thấm nước, mái nhà và mặt đứng công trình có thể được trồng cây. Mái nhà xanh không những giúp chống ngập mà còn có tác dụng cách nhiệt cho mái.
Trong các khu đô thị hiện hữu hoặc các khu đô thị mang tính chất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, nên xây dựng các công trình chắn lũ, triều cường như đê, đập… dọc các bờ sông. Cùng với đê, đập, tường di động ngăn lũ cũng nên được xem xét. Tường nên được lắp đặt cạnh các đê ngăn lũ cố định và tốt nhất là được thiết kế kèm với đê, đập… Có thể tôn nền cho các dự án đô thị trọng điểm nếu dự án nằm trong khu vực bị ngập lụt. Chiều cao đôn nền sẽ phải cao hơn mực nước ngầm hiện hữu và giống như các công trình xây dựng riêng rẽ, vật liệu đôn nền có thể là sỏi hoặc cát. Lưu ý, giải pháp tôn nền rất tốn kém và có thể làm tăng khả năng ngập ở các khu vực xung quanh, do đó không nên được khuyến khích. Bản thiết kế đôn nền của các khu đô thị phải được đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất của thành phố và các quận, huyện. Chiều cao đôn nền cần được thiết kế dựa trên bảng xếp hạng mức độ nguy hiểm về ngập lụt của toàn khu vực.
Rãnh thoát nước khu vực nên có chức năng thẩm thấu nước. Theo đó, trong rãnh nên trồng cỏ hoặc để đất (không bê tông hóa - PV). Cách này giúp nước mưa thẩm thấu và bay hơi đáng kể trước khi được đưa vào hệ thống cống thoát nước chung.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010. Trong lần điều chỉnh này, quy hoạch chung thành phố đã được xây dựng trên cơ sở tiếp cận với các điều kiện tự nhiên về địa chất, thủy văn… kết hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có các quy định hay hướng dẫn để cụ thể hóa các định hướng cơ bản liên quan đến điều kiện tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung thành phố. Ông TRẦN CHÍ DŨNG, |
AN NHIÊN (ghi)
| |