Vụ việc một hướng dẫn viên du lịch trẻ tử nạn cùng du khách nước ngoài tại thác Hang Cọp (tỉnh Lâm Đồng) cách đây ít ngày, gây xôn xao dư luận. Một lần nữa, tiếng chuông cảnh báo về việc hướng dẫn viên tham gia các tour “chui”, mất an toàn, lại được gióng lên. Bài học rút ra chính là kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên cũng như sự quản lý các công ty du lịch hiện nay trên thị trường.
Hướng dẫn viên Trịnh Thế Cường (TST Tourist) cùng các du khách tại một điểm đến trên địa bàn TPHCM
Yêu nghề thôi chưa đủ!
Trò chuyện với lãnh đạo các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp tên tuổi hiện nay, không ít trong số những người được hỏi đều lắc đầu, ngán ngẩm trả lời, công ty lữ hành “mọc” lên như nấm sau mưa. Chính vì vậy, đủ chiêu trò câu khách, móc nối, kinh doanh chụp giựt, thậm chí sẵn sàng triệt tiêu đối thủ. Vụ việc đau lòng vừa qua chính là hậu quả của việc xem thường tính mạng du khách, đặt lợi nhuận lên trên hết; đồng thời là việc thiếu giám sát, buông lỏng quản lý của địa phương trong quản lý các doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Các doanh nghiệp trong nghề cho rằng, rủi ro nào cũng có khả năng xảy ra, nhưng việc đơn vị làm đúng, tuân thủ nguyên tắc ngay từ đầu thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro. Vụ du khách và hướng dẫn viên tử nạn tại khu vực thác Hang Cọp là một minh chứng, khi mà điểm đến này đã có bảng cấm du khách chơi trò mạo hiểm. Nhận định về các công ty du lịch trôi nổi hiện nay, giám đốc một công ty du lịch nói thẳng: “Họ chẳng ngại ngùng gì, từ giả mạo thương hiệu đến giảm giá tour nhằm phá giá đối thủ… Để làm được điều này và có lời, cách duy nhất là cung cấp chất lượng dịch vụ kém, hướng dẫn viên trẻ liều lĩnh, thiếu kinh nghiệm”. Và mỗi năm, khá đông những bạn trẻ chưa được trang bị đủ kỹ năng, vẫn lao vào nghề hướng dẫn viên du lịch, bởi: “vui, được đi chơi, được mạo hiểm và kiếm tiền được”.
Mai Thị Tâm Lụa, hiện là cộng tác viên của một công ty du lịch trên địa bàn TPHCM, chuyên hướng hướng dẫn các tour nội địa, tâm sự: “Nghề hướng dẫn viên là công việc “làm dâu trăm họ”. Bạn không chỉ đam mê, yêu nghề mà còn cần rất nhiều tố chất để trở thành một hướng dẫn viên cứng cựa, trụ được với nghề. Các kỹ năng cần có phải được rèn luyện, trau dồi hàng ngày để có thể thành thục, “tác chiến” ngay khi gặp sự cố. Do vậy, chỉ yêu nghề thôi thì chưa đủ”. Đối với Ánh Nguyên, cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa, TPHCM thì nghề hướng dẫn viên thu hút bạn ngay từ “ánh nhìn đầu tiên”. “Học thì vui nhưng khi đi làm mới thấy nản vô cùng. Khách hàng khó tính, công việc nay đây mai đó, rong ruổi khắp nơi… Để làm quen với công việc đặc thù, đòi hỏi sự dẻo dai, ứng phó linh hoạt, phận nữ như mình cảm thấy quá sức. Do vậy, sau khi thử đi làm được hơn 1 năm, mình đành bỏ nghề”, Ánh Nguyên tâm sự.
Rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp
Với 6 năm kinh nghiệm, trực tiếp hướng dẫn các tour trong nước cũng như quốc tế đã giúp Tạ Hào Luân (hướng dẫn viên của TST Tourist) có cơ hội trải nghiệm nhiều điều. Luân bộc bạch, hướng dẫn viên là đại sứ du lịch, bộ mặt của công ty nên trước khi dẫn đoàn, luôn phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng tất cả các khâu. Bao gồm, tìm hiểu kỹ về điểm đến, nhiệt độ nơi khách sẽ đến, thức ăn ra sao, văn hóa ứng xử, thậm chí lường trước những rủi ro mà du khách bất cẩn có khi gặp phải trên hành trình du lịch… Bên cạnh đó, Luân cũng khuyến cáo du khách nên và không nên làm gì tại một số điểm đến nhất định, nhất là các khu vực chùa chiền, đền thờ để du khách có lối ứng xử cho phù hợp. “Làm nghề này, mình thường phải xa nhà, đi công tác thường xuyên, vi vu khắp nơi cùng đoàn. Do vậy, sức khỏe, ngoại ngữ, khả năng chịu áp lực công việc, trau dồi thêm các kỹ năng “mềm” là điều cực kỳ quan trọng. Chỉ cần vài câu nói hài hước, tâm lý, quan tâm đến du khách thì nhất định bạn sẽ níu chân được du khách đến với công ty mình”, Tạ Hào Luân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông TST Tourist, đánh giá: “Rủi ro trên đường tour là điều rất khó lường. Do vậy, các sinh viên hiện nay rất cần được rèn luyện kỹ năng sống sót. Tôi quan niệm rằng, hướng dẫn viên là người quyết định sự thành bại đối với các tour du lịch nên hướng dẫn viên thời vụ hay hợp đồng đều được công ty đối xử trọng thị…”. Tương tự, bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng Giám đốc BenThanh Tourist cũng khẳng định: “Nhân viên là “tài sản” vô giá của công ty nên công ty rất trân trọng. Để truyền lửa cho hướng dẫn viên trẻ, BenThanh Tourist luôn có các lớp học rèn luyện nghiệp vụ, trau dồi lòng yêu nghề, các kỹ năng cần thiết cho các bạn làm công tác hướng dẫn tour”.
GIA HÂN