Hướng đến khu công nghiệp sinh thái

Nhiều nhà khoa học Việt Nam đã nhận ra rằng chúng ta đang xử lý phần ngọn các “triệu chứng môi trường” (chất thải, khí thải, nước thải…) mà chưa giải quyết các nguyên nhân chính làm phát sinh chất thải. Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất xây dựng mô hình các khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Vậy thế nào là mô hình KCNST?

Theo ông Nguyễn Trung Việt (Khoa Công nghệ và Quản lý môi trường Trường Đại học Dân lập Văn Lang, TPHCM), đó là một sự cộng sinh công nghiệp, hay nói cách khác, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải sử dụng các sản phẩm phụ của cơ sở khác làm nguyên liệu sản xuất, thay vì liên tục khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên mới và đổ chất thải vào môi trường.

Thạc sĩ Phan Thu Nga, Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, khẳng định mô hình KCNST là hướng phát triển hiện đại, bền vững đối với các quốc gia. Xây dựng KCNST có 2 nhóm: KCN mới (từ giai đoạn quy hoạch, xây dựng và vận hành) và KCN hiện hữu (đang hoạt động).

Đối với KCN mới phải đảm bảo các tiêu chí như định hướng về trao đổi chất thải, phù hợp về vị trí và quy mô đảm bảo không gây tác hại tới khu dân cư, phù hợp về hạ tầng cơ sở kỹ thuật. Chất thải công nghiệp phải được xử lý qua 2 cấp: xử lý trong khuôn viên cơ sở sản xuất và xử lý ở quy mô KCN…

Đối với KCN hiện hữu chuyển sang KCNST cần đảm bảo những tiêu chí: xác định các chất thải chính của KCN và khả năng tái sử dụng các chất thải này, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN nhằm đáp ứng các yêu cầu thu gom, xử lý nước thải tập trung…

Bà Trần Thị Mỹ Diệu, Khoa Công nghệ và Quản lý môi trường của Trường Đại học Dân lập Văn Lang, cho rằng KCNST phải bao gồm các nhà máy cộng tác với nhau trên cơ sở phối hợp, trao đổi các loại sản phẩm phụ; tái sinh, tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ tại nhà máy với các nhà máy khác và theo hướng bảo toàn tài nguyên thiên nhiên.

Việc đề xuất xây dựng mô hình KCNST là một đòi hỏi cần thiết trước thực trạng ô nhiễm từ các KCN hiện nay. Mục đích của KCNST là xây dựng một hệ công nghiệp gồm nhiều nhà máy hoạt động độc lập nhưng có quan hệ cộng sinh nhằm giải quyết các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, các nhà máy trong KCNST vừa đạt được những lợi ích kinh tế, vừa đạt hiệu quả bảo vệ môi trường chung thông qua việc quản lý hiệu quả năng lượng, nước và nguyên liệu sử dụng. 

TƯỜNG LÂM

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) TPHCM, tổng lượng nước thải hàng ngày từ các KCN-KCX của thành phố vào khoảng 40.000m3 nhưng chỉ có 20.000m3 được xử lý đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường. Trong số 12 KCN thì 9 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ban Quản lý KCN-KCX đã lên kế hoạch buộc tất cả các KCN-KCX đến cuối năm 2006 phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng đến nay tình hình triển khai kế hoạch này rất chậm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng rác sinh hoạt bình quân phát sinh từ các KCN-KCX vào khoảng 400- 500 tấn/ngày; lượng chất thải công nghiệp từ 200- 300 tấn/ngày. Các loại chất thải này phần lớn được thu gom và chuyển về các bãi chôn lấp rác sinh hoạt của thành phố hoặc được các đơn vị thu mua, tái sử dụng các phế liệu còn dùng được trong sản xuất.

Tin cùng chuyên mục