Hướng đến luật an ninh mạng toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26-3 đã kêu gọi tăng cường sự can dự của Nga vào quá trình đàm phán các vấn đề an ninh thông tin, đồng thời cho biết, Moscow sẵn sàng hợp tác với tất cả đối tác, kể cả thông qua Liên hiệp quốc, về vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia

Bước đi quan trọng

Theo Sputnik, Hội đồng An ninh quốc gia Nga (SCRF) đã nhóm họp ngày 26-3 dưới sự chủ trì của Tổng thống Vladimir Putin, để thông qua bộ quy tắc cơ bản của Nga trong lĩnh vực an ninh mạng quốc tế. Tài liệu này sẽ được trình lên tổng thống phê chuẩn trong thời gian tới, sau đó sẽ công bố rộng rãi. Một phần nội dung dự thảo nêu rõ, công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn cho các mục đích khủng bố và cực đoan, chẳng hạn như tuyên truyền khủng bố và tuyển dụng phần tử khủng bố. Lần đầu tiên, tài liệu đề cập đến những mối đe dọa liên quan đến tấn công mạng nhằm vào các nguồn lực công nghệ thông tin của Nga, bao gồm các cơ sở hạ tầng mạng quan trọng. 

Theo Tass, dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Nga, ông Nikolai Patrushev nói: “Các công nghệ mạng được sử dụng nhiều hơn để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Trong nỗ lực duy trì sự thống trị của họ, một số quốc gia đã cố tình hạn chế các quốc gia đang phát triển tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhằm tăng sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị”. Ông Patrushev còn nhấn mạnh: “Để vô hiệu hóa các mối đe dọa đang tăng cao, Nga quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tạo ra một cơ chế pháp lý quốc tế kiểm soát hoạt động của các quốc gia trong không gian mạng”.

Cũng tại cuộc họp của SCRF, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong lĩnh vực an ninh mạng. Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ: “Chúng ta cần tích cực thúc đẩy các sáng kiến của Nga, tăng cường tham gia vào quá trình đàm phán. Tôi nhấn mạnh: Nga luôn để ngỏ đối thoại và hợp tác với tất cả đối tác, cả ở hình thức song phương và trong các cơ cấu và diễn đàn quốc tế, đương nhiên chủ yếu là tại Liên hiệp quốc”.

Xây dựng lòng tin

Thành lập vào năm 2019, đến nay, Nhóm công tác mở về an ninh mạng của Liên hiệp quốc (OEWG) đã có 150 quốc gia tham gia với tư cách thành viên và quan sát viên. Phiên họp OEWG gần đây nhất được tổ chức vào trung tuần tháng 3, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. OEWG đang trong giai đoạn hoàn tất dự thảo cuối cùng luật về an ninh mạng toàn cầu. Dự luật tuy không ràng buộc về mặt pháp lý cũng như không mang tính đột phá về nội dung, nhưng đánh dấu lần đầu tiên mang tính chất mở rộng toàn cầu về hợp tác an ninh mạng. Theo phía Nga, các bên cần tiếp tục nâng cao năng lực, các biện pháp xây dựng lòng tin và các cuộc đối thoại thường xuyên trong khuôn khổ Liên hiệp quốc để sớm tiến tới một bộ luật an ninh mạng quốc tế có tính chất ràng buộc pháp lý.

Về vấn đề xây dựng lòng tin, còn nhiều việc phải làm. Hiện nay, các nước phương Tây và Nga tiếp tục tung ra nhiều cáo buộc qua lại về an ninh mạng. Theo tạp chí Spiegel của Đức, ngày 26-3, một số nghị sĩ Đức tiếp tục bị tấn công mạng và các chuyên gia an ninh nghi ngờ tin tặc Nga thực hiện các hành động này. Phía Nga đã bác bỏ cáo buộc. Nga trước đó cũng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Nga tấn công mạng để gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Về phía Moscow, Cơ quan quản lý internet của Nga Roskomnadzor mới đây đã làm chậm khả năng hoạt động của Twitter tại Nga, vì nền tảng truyền thông xã hội của Mỹ này không xóa nội dung bất hợp pháp tại Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Không ai mong muốn ngăn chặn bất cứ điều gì nhưng việc áp dụng các biện pháp buộc Twitter phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi là hoàn toàn chính đáng.”

Tin cùng chuyên mục