Hướng đến mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện

Trước sự quá tải trong hoạt động khám chữa bệnh, ngành công tác xã hội đã được khuyến khích đưa vào lĩnh vực y tế nhằm tăng “liều thuốc tinh thần” cho người bệnh, hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị.
Bác sĩ và các nhà hảo tâm đến thăm hỏi và chia sẻ với bệnh nhân
Bác sĩ và các nhà hảo tâm đến thăm hỏi và chia sẻ với bệnh nhân

Tại TPHCM, nhiều bệnh viện đã phát triển hoạt động này.

Nơi nỗi đau được sẻ chia

Mới đây, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân Nguyễn Đức B. (20 tuổi, quê Hà Nội) nhập viện trong tình trạng có những cử động bất thường ở vùng mặt, cổ, co gồng toàn thân, không nói và đi được. B. đến bệnh viện trong hoàn cảnh rất khó khăn: mẹ nội trợ, cha đang bị thất nghiệp, mà gánh nặng chi phí điều trị lâu dài cho B. ngày càng lớn dần.

Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, Phòng Công tác xã hội khởi động mô hình “Chăm sóc toàn diện”, liên hệ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về thần kinh học để chữa trị cho bệnh nhân; hỗ trợ điều dưỡng chăm sóc miễn phí; hướng dẫn, động viên tinh thần, thăm hỏi bệnh nhân trong quá trình nằm viện và xuất viện; theo dõi việc tái khám, tư vấn phục hồi chức năng… Song song đó, phòng cũng kết nối với các cơ quan báo đài để đưa thông tin và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ viện phí. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận, sau 3 tháng điều trị, B. đã có tiến triển tốt như giảm co gồng, nói được từ đơn nghĩa, tinh thần vui vẻ, lạc quan…

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhi đến khám và điều trị nội trú. Trong số đó có rất nhiều bệnh nhi hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nhiều cháu vẫn có khả năng chữa khỏi (dù bệnh nặng) nhưng gia đình không có tiền nên đã xin đưa con về chờ... chết. Từ thực tế rất nhiều trường hợp đau lòng đó, lãnh đạo bệnh viện đã thành lập Phòng Công tác xã hội làm công tác hỗ trợ chăm sóc cho bệnh nhi về tâm lý, tinh thần và vật chất.

“Chúng tôi rất vui khi được góp phần nhỏ bé giúp bệnh nhi và gia đình các cháu vượt qua khó khăn trước mắt. Trong số những bệnh nhi được trợ giúp đặc biệt, nhiều cháu đã khỏi bệnh”, bác sĩ Thạc chia sẻ.

Cần được quan tâm đúng mức

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quá tải luôn gây áp lực cho các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến trên. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân, như hướng dẫn và giải thích về quy trình khám chữa bệnh, hỗ trợ về tâm lý, tinh thần… Do vậy, người bệnh thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc thường xảy ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng khám chữa bệnh. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện, các đơn vị công tác xã hội đã được thành lập tại nhiều bệnh viện và thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa bệnh nhân với thầy thuốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều cán bộ công tác xã hội, hiện hoạt động này trong bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Linh, phụ trách điều hành Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đa số nhân sự của bộ phận công tác xã hội chưa được đào tạo chuyên môn. Thành viên chủ yếu là cán bộ y tế từ các khoa, phòng kiêm nhiệm. Việc gây quỹ tại bệnh viện chưa thể triển khai rộng rãi, nguồn lực tài chính để hoạt động còn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một số bệnh viện vẫn chưa nhận thức đúng về hoạt động công tác xã hội, vì thế chưa có sự đầu tư thích hợp cho nhân sự lẫn kinh phí hoạt động, nhất là tại các bệnh viện tự chủ về tài chính, nhân sự… Đây là những hạn chế cần được khắc phục để phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe cho người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho rằng công tác xã hội trong bệnh viện là công việc mang tính đặc thù, không giống ngành khác và cần được đào tạo. Có 2 chuyên ngành cần đào tạo là y khoa và công tác xã hội. Phòng Công tác xã hội sẽ “dễ” hoạt động nếu nguồn nhân lực có đủ 2 chuyên ngành nói trên. Sự hiện diện của cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác xã hội sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết được các vấn đề xã hội, tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Qua đó cho thấy người bệnh là trung tâm và góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc. Bên cạnh đó, phòng công tác xã hội tại các bệnh viện cũng là cầu nối những bệnh nhân khó khăn với cộng đồng, hoặc kết nối các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo trong cộng đồng tới điều trị tại bệnh viện.

Năm 2020, 90% cơ sở y tế phải có phòng công tác xã hội

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, năm 2010 cả nước chỉ có 10 bệnh viện thành lập đơn vị công tác xã hội (4 bệnh viện tuyến trung ương và 6 bệnh viện tuyến tỉnh), đến nay hơn 80% bệnh viện đã có đơn vị này và đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ người bệnh, thân nhân người bệnh. Với mục tiêu đến năm 2020 phải có 90% cơ sở y tế trong cả nước triển khai hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải đưa hoạt động công tác xã hội trở thành một trong những nội dung chính trong tiêu chí đánh giá đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục