Những năm gần đây, nhờ xây dựng những cánh đồng chuyên canh cũng như thực hiện việc dồn điền, đổi thửa thành công nên người nông dân ở nhiều địa phương vùng sâu, nghèo khó thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc sống khấm khá hơn. Những “cánh đồng vàng” cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm lần lượt ra đời; những HTX chuyên canh mà ở đó mỗi xã viên thực sự làm chủ đã tạo được sự hào hứng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn.
Mỗi xã một cánh đồng 70 triệu đồng/ha
Chúng tôi đến thôn 6 thăm cánh đồng Soi Huyện (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). Đây là một trong những cánh đồng có năng suất, thu nhập cao trong mô hình xây dựng “cánh đồng thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm” tại huyện Mộ Đức.
Nông dân Phạm Bá Vịnh, ở thôn 6, xã Đức Nhuận đang chăm sóc cho 2 sào bắp của gia đình, cho biết: “Mặc dù bắp mới bắt đầu ra trái, nhưng tui đã phải chuẩn bị đất để trồng cây ớt gối vụ để sau 4 tháng nữa, khi thu hoạch bắp cũng là lúc ớt bắt đầu ra trái”. Ngừng tay cuốc, ông Vịnh bấm đốt ngón tay nhẩm tính: “Như vậy, chỉ một tuần sau đó lại bắt đầu thu hoạch ớt, và tiếp tục xuống giống khổ qua (mướp đắng) vào tháng 7”. Nhờ đầu tư thâm canh, với 2 sào đất ở cánh đồng này, năm nào ông Vịnh cũng làm được 3 vụ màu cho thu nhập trên 20 triệu đồng/sào.
|
Ông Nguyễn Vũ Trung, Phó chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, cho biết, toàn xã hiện có gần 80 hộ nông dân tham gia mô hình này. Nhờ sản xuất đồng bộ, đúng quy trình kỹ thuật và thời điểm xuống giống nên các hộ dân canh tác ở cánh đồng Soi Huyện đều sản xuất được 3 vụ/năm. Năm 2007, trên cơ sở mô hình do Trung tâm khuyến nông đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật, toàn xã có 4 ha đất thực hiện theo quy trình luân canh cây trồng này.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện, xã Đức Nhuận đã mở rộng diện tích này lên gấp đôi. Nhờ đó cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Rời cánh đồng Soi Huyện, chúng tôi đến thăm cánh đồng Bốn Mẫu ở xã Đức Thắng. Những năm qua, nhờ chủ trương phát triển thâm canh tăng vụ nên các hộ gia đình có thu nhập ngày càng cao. Cánh đồng này trước kia trồng lúa, bắp nhưng không đạt, người dân chuyển sang trồng rau màu như đậu xanh, rau, khổ qua, bí, ớt. Hầu hết 50 hộ dân tham gia mô hình ở cánh đồng này đều có thu nhập khá cao.
Qua 5 năm thực hiện chủ trương mỗi xã xây dựng một cánh đồng có thu nhập cao trên 70 triệu đồng/ha/năm, đến nay các địa phương ở huyện Mộ Đức đã hình thành được 16 cánh đồng (bình quân mỗi cánh đồng có diện tích 3-15ha tập trung liên vùng). Đặc biệt có nhiều cánh đồng cho hiệu quả kinh tế cao với doanh thu 100-150 triệu đồng/ha/năm như: Mẫu Trại, Bốn Mẫu (xã Đức Thắng), Soi Huyện (xã Đức Nhuận), Soi Nghĩa Lập, Cừ Chú Tượng (xã Đức Hiệp) với công thức luân canh chủ yếu là rau ăn lá - ớt - đậu - khổ qua.
Với những hiệu quả đạt được bước đầu từ việc xây dựng cánh đồng 100 triệu đồng/ha, năm 2011 vừa qua, tổng giá trị ngành trồng trọt của huyện Mộ Đức đạt hơn 237 tỷ đồng, bình quân thu nhập của người nông dân ở những vùng trồng rau chuyên canh đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Mở rộng vùng chuyên canh mía
Phổ Nhơn là xã miền núi, ở phía Bắc huyện Đức Phổ. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây mía với diện tích sản xuất hơn 1.000ha/năm. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đất trồng mía xen kẽ với đất lúa và nhiều cây trồng khác; mặt khác, hệ thống giao thông, tưới, tiêu hạn chế nên vùng mía thiếu ổn định và năng suất thấp. Năm 2007, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi chọn Phổ Nhơn là một trong 3 xã của tỉnh xây dựng thí điểm mô hình Hợp tác xã (HTX) chuyên canh mía kết hợp chăn nuôi.
Từ chỗ thí điểm ban đầu hơn 10ha, sau gần 4 năm thực hiện, HTX chuyên canh mía Phổ Nhơn đã dồn điền, đổi thửa được gần 150ha mía. Không còn những ruộng mía nhỏ lẻ, rời rạc nằm cách xa nhau, giờ đây, mỗi lô mía của Phổ Nhơn có diện tích hơn 7.000m2. Nhiều gia đình trước đây đời sống khó khăn, thiếu thốn, nay đã có thu nhập khá từ cây mía. Bà Lê Thị Năm, ở xã Phổ Nhơn, cho biết: “Dồn điền, đổi thửa thì một sào được 5-6 tấn còn làm lúa 1 sào không được 3 bao lúa, tính ra là bù lỗ, làm mía được hơn”.
Thấy rõ lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ dân ở xã Phổ Nhơn tự nguyện vào HTX và tập trung chuyên canh trồng mía. Chủ nhiệm HTX chuyên canh mía Phổ Nhơn Phạm Văn Năm cho biết: “Không chỉ dân trong xã chuyên canh mía mà thời gian qua, nhiều địa phương nơi khác cũng đến đây tham quan, học hỏi làm theo. Hiện HTX và huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ người dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa trong thời gian tới”.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài HTX chuyên canh mía Phổ Nhơn, tỉnh đã hình thành được 4 HTX chuyên canh và chăn nuôi, từng bước tạo được quỹ đất lớn và đã thu hút được nhiều xã viên tham gia trồng mía như: HTX Bình Tân, HTX Bình Khương (Bình Sơn), HTX Tú Sơn (Mộ Đức), HTX Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Các HTX chuyên canh mía đang phối hợp chặt chẽ với nhà máy đường, bảo đảm thực hiện tốt việc dồn điền, đổi thửa và tập trung xây dựng vùng mía chuyên canh đạt năng suất, chữ đường cao. HTX cũng bảo đảm cung ứng các dịch vụ kịp thời trong chương trình phát triển, đầu tư thâm canh cây mía đối với nông dân.
“Vậy nên, vụ ép mía 2010-2011, Nhà máy đường Phổ Phong (Công ty CP đường Quảng Ngãi) đã nâng công suất ép mía từ 1.000 tấn lên 2.000 tấn mía/ngày. Trong tổng số hơn 5.100ha mía với sản lượng 220.000 tấn mía cây, công ty đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, hình thành vùng mía chuyên canh hơn 1.400ha, năng suất bình quân đạt hơn 80 tấn/ha (10 chữ đường), người trồng mía thu hơn 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất còn lãi gần 34 triệu đồng” - ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, nói.
| |
Hà Minh
| |
|