Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngay từ năm 2004, tỉnh đã triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Sau 8 năm thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu như năm 2003, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng chỉ 27 triệu đồng/ha thì bây giờ đã đạt 80 triệu đồng/ha. Hiện toàn tỉnh có 11.000ha ứng dụng công nghệ cao, chỉ chiếm 3% tổng diện tích nhưng đem lại 18%-20% tổng giá trị sản xuất.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ngay từ năm 2004, tỉnh đã triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Sau 8 năm thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nếu như năm 2003, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng chỉ 27 triệu đồng/ha thì bây giờ đã đạt 80 triệu đồng/ha. Hiện toàn tỉnh có 11.000ha ứng dụng công nghệ cao, chỉ chiếm 3% tổng diện tích nhưng đem lại 18%-20% tổng giá trị sản xuất.

Hiệu quả của chương trình còn được đánh giá thông qua sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về tác động tích cực công nghệ cao đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều huyện, xã xác định đây là chương trình trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Từ việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân có thêm phong cách làm việc có kỷ luật, tiếp cận những kỹ thuật mới, có tư duy về thị trường (vì công nghệ cao đòi hỏi người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu kỹ thuật). Quy mô sản xuất hàng hóa lớn dần đang được hình thành. Các thương hiệu đặc sản địa phương ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước như: rau hoa Đà Lạt, chè B’lao, cà phê Di Linh, dứa cayen, lúa gạo Cát Tiên, chuối Laba…

Thu hoạch hoa ly ly tại làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Nam Viên

Thu hoạch hoa ly ly tại làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Nam Viên

Một lợi thế của Lâm Đồng đó là có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trồng rau hoa theo công nghệ cao. Có thể xem Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao (với hàng ngàn người nông dân và doanh nghiệp, từ năm 2008) với hình thức mời chuyên gia tập huấn kỹ thuật, tiếp cận sản xuất công nghệ cao, tiếp cận thị trường, cạnh tranh quốc tế.

Các doanh nghiệp, hộ nông dân hưởng ứng tích cực, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất. Từ chỗ chỉ vài chục hécta ở các doanh nghiệp FDI và chỉ tập trung ở Đà Lạt, thì nay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mở rộng tới các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm…

Thực tế, Lâm Đồng có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật từ các doanh nghiệp nước ngoài; nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao khá chất lượng. Hiện Lâm Đồng có 58 cơ sở nuôi cấy mô (ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây), với khoảng gần 500 kỹ sư, kỹ thuật viên, trong đó khoảng trên 150 người có trình độ đại học, trên đại học.

Tỉnh cũng sẽ tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn về vốn sản xuất, ổn định đầu ra nông sản. Thực tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, ngân hàng chỉ căn cứ giá trị tài sản để cho vay thì không đủ, cần có giải pháp cho vay theo định suất đầu tư. Thứ hai là phải có đầu ra ổn định. Một tình trạng phố biến hiện nay là khi thấy rau hoa, cà phê được giá thì đổ xô vào làm, dẫn đến sau đó là tình trạng ế thừa, bán đổ bán tháo với giá thấp, nhà nông thua lỗ.

Như vậy, cần phải có thông tin đầy đủ về thị trường. Đồng thời phải có phương án bảo quản sau thu hoạch, phải có nhà máy chế biến để chủ động tiêu thụ nông sản, ổn định sản xuất. Mặt khác, cần tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung; liên minh các nhóm hộ với nhau, với doanh nghiệp, trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm; sản xuất theo quy trình và kỹ thuật chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cả về số lượng, chủng loại và chất lượng.

Trong những năm tới, Lâm Đồng tiếp tục triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao vào các đặc sản của địa phương như rau hoa, chè, cà phê, bò sữa, cá nước lạnh. Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao đặt ra mục tiêu đến năm 2015, diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 7% tổng diện tích canh tác; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. 

Tiến sĩ PHẠM S
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)


Từ chén cơm đầy đến chén cơm ngon

Mặc dù tạo ra kỳ tích được cả thế giới ngưỡng mộ nhưng nông dân ĐBSCL lại đang đứng trước nhiều thách thức trong bước chuyển căn bản từ vị thế của người làm ra nhiều lúa gạo cho “chén cơm đầy” đến nền sản xuất lúa gạo hàng hóa - “chén cơm ngon” để bán được giá, làm giàu. Bước chuyển căn bản đó rất cần sự “chuyển đổi tận gốc” trong tư duy, không chỉ của những người nông dân mà hơn thế, trong “tư duy hoạch định chính sách”.

Nông dân phải chịu gánh nặng vay vốn sản xuất, đóng lãi, kể cả phải vay lãi cao bên ngoài; mua chịu vật tư phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả “đội giá thành”. Nhiều gia đình nông dân hiện nay đang phải nặng gánh lo cho “nhà mình” với nhiều khoản chi tiêu ăn uống, chữa bệnh, học hành con cái và nhiều khoản đóng góp khác; lại còn lo cho... nhà hàng xóm (đám tiệc, giỗ quải, giao tế ở nông thôn...).

Điều đáng quan tâm là mối quan hệ với nhà xuất khẩu gạo mà hiệu quả kinh doanh đầu ra này gần như quyết định giá lúa hàng năm. Hạt gạo của người nông dân còn phải gồng mình làm nhiệm vụ “bình ổn giá” tiêu dùng cho xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và làm nhiệm vụ ngoại giao trong cuộc chiến an ninh lương thực toàn cầu.

Hạt gạo bị “cắn chia” làm nhiều phần cũng là điều tất yếu trong điều kiện sản xuất lúa hàng hóa, cần sự tham gia của “nhiều nhà” nhưng điều đáng quan tâm là sự gắn kết theo chuỗi và phân phối lợi nhuận cho tác giả chính của nó - nông dân - đang có vấn đề. Thực trạng này đang đặt ra nhiều bài toán cho ngành sản xuất lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL.

Chuyện từ đồng ruộng ra thương trường hiện nay cũng phải đặt lên hàng đầu. Thương trường là cạnh tranh, muốn cạnh tranh phải có nguồn lực và kiến thức. Không chỉ kiến thức làm ruộng, trồng cây, nuôi cá, mà cả kiến thức quản lý đồng vốn, quản trị doanh nghiệp. Đòi hỏi khắc nghiệt từ thương trường buộc những người nông dân ngày nay phải chuyển từ tư duy làm ra nhiều nông sản sang làm ra nhiều giá trị từ nông sản và chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Hay nói cách khác, người nông dân ngày nay muốn sống được bằng nghề, làm giàu từ nghề nông phải gắn ruộng vườn của mình với thương trường. Họ cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Nông dân ĐBSCL được đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực của vùng, trong đó có ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn… là những cách thức giúp người nông dân không chỉ đứng vững trên đồng ruộng mà còn có thể làm giàu được từ nông nghiệp, nông thôn.

Quá trình đó giúp họ không chỉ có kiến thức về kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng mà còn phải có kiến thức về quản trị đồng vốn, về thị trường, hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm đạt lợi nhuận cao nhất; hay nói cách khác là phải “doanh nhân hóa nông dân”. Doanh nhân hóa nông dân ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian của nông thôn đồng bằng, những đặc thù của “tam nông” Việt Nam.

Cần đưa thương hiệu gạo ĐBSCL vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước. Một nhãn hiệu Made in Mekong Delta cho lúa gạo đồng bằng là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường lúa gạo thế giới, chính là tài sản - thương hiệu chung cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu. Một nước vốn có truyền thống và thế mạnh sản xuất lúa, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, một quốc gia có nền “văn minh lúa nước”, không lý do gì hạt gạo đồng bằng, gạo Việt lại chưa được đặt ở vị trí trang trọng của một thương hiệu mang tầm quốc tế.

Những thành công bước đầu của những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Công ty cổ phần nông nghiệp” cho thấy nâng cao giá trị các công đoạn làm ra hạt lúa (giống, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tác động chính sách đầu vào) là rất quan trọng nhưng “chuỗi giá trị” quan trọng hơn cần sự tác động tích cực ở các khâu từ hạt lúa trên đồng ruộng đến hạt gạo hàng hóa trên thương trường (chống thất thoát sau thu hoạch, kho chứa, xay xát, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu gạo).

Nhu cầu bức xúc là phải liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết vùng ĐBSCL mà trọng tâm là “vành đai lúa” gồm khoảng 30 huyện nằm ở các tỉnh trọng điểm gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần ở các tỉnh còn lại trong vùng.

Cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế xuất khẩu gạo - hiện là khâu cuối cùng đang tác động mạnh mẽ vào “túi tiền” của người nông dân - trong điều kiện cạnh tranh gay gắt khi xuất hiện doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo vào năm 2012.

TRẦN HỮU HIỆP
(Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)

BÍCH HIỀN ghi

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

- Bài 1: Nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam

- Bài 2: Cánh đồng mẫu lớn - Mô hình mới cần nhân rộng

- Bài 3: Liên kết 4 nhà - Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

- Bài 4: Đất đỏ sinh “hạt vàng”

- Bài 5: Đột phá nông nghiệp công nghệ cao

- Bài 6: Đổi đời vùng chuyên canh

Tin cùng chuyên mục