Tháng 4-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (Chỉ thị số 42 - CT/TW). Hơn 10 năm sau, đánh giá về những việc đã làm được của toàn ngành xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, điều dễ nhận thấy nhất là bên cạnh sự tiến bộ cũng như phát triển, cũng còn quá nhiều việc cần phải làm để có được một nền xuất bản tiên tiến, hiện đại.
Phân hóa trong toàn ngành xuất bản
Năm 2004, Việt Nam có 48 nhà xuất bản (NXB), 10 năm sau con số này là 64 nhưng sau đó giảm còn 60 và dự kiến sắp tới có thể sẽ giảm thêm một số NXB không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, số lượng NXB không phản ánh thực trạng lĩnh vực xuất bản mà chính sự phân hóa giữa các NXB mới thể hiện những vấn đề của ngành xuất bản hiện nay.
Ước tính chỉ khoảng 33 NXB có đủ điều kiện về vốn, trụ sở, nhân lực để hoạt động. Phần lớn các NXB doanh thu hàng năm chỉ từ 1 - 5 tỷ đồng. Trung bình để thực hiện một cuốn sách phải tốn khoảng trên 100 triệu đồng. Với mức doanh thu như trên, nhiều NXB mỗi năm chỉ đủ làm chưa đến 10 cuốn sách và đó là với dạng sách đơn giản. Với loại sách phức tạp, đầu tư cao, số sách làm được còn ít hơn.
Trong lĩnh vực in, tốc độ tăng trưởng được đánh giá là khá cao với mức 8%-10%/năm. Thế nhưng, sự phân hóa của ngành in cũng không nhỏ khi cả nước có đến trên 10.000 cơ sở in, trong đó in công nghiệp khoảng 1.500 nhưng hơn 40% là nhỏ lẻ, lạc hậu. Điều này dẫn đến một tình trạng là tồn tại song song hai dạng in là rất hiện đại và rất lạc hậu. Do vậy, tình trạng hỗn loạn trong cạnh tranh thậm chí có khi còn gây ra khủng hoảng cục bộ do cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị.
Một vấn đề không thiếu phần nghiêm trọng nữa của ngành in là việc có tốc độ phát triển nhanh trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên môn. Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực ngành in còn rất eo hẹp, các đơn vị in thì không thể tự đào tạo do thiếu kinh phí.
In và xuất bản có sự mất cân đối nhưng chính ngành phát hành mới được xem là nơi mất cân đối nghiêm trọng nhất. Hiện nay, ngành phát hành trong nước phát triển rất mạnh mẽ. Đã xuất hiện những công ty phát hành lớn tập trung vốn, nhân lực cao với các phương thức phát hành tiên tiến, có mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị xuất bản không chỉ trong mà còn cả ngoài nước. Thậm chí có nhiều đơn vị phát hành còn tham gia vào cả công tác xuất bản như xây dựng bản thảo, quảng bá…
Thế nhưng, 90% sự phát triển của phát hành lại chỉ diễn ra ở các thành phố, đô thị lớn, còn hệ thống phát hành ở các địa phương thì gần như đã tan rã. Không còn vốn, nhân lực, không còn điều kiện hạ tầng, việc chuyển tải sách đến các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Bạn đọc chọn mua sách tại một nhà sách ở TPHCM
Đi được nửa đường
Điều cần nhìn nhận là sau 10 năm Chỉ thị 42 đi vào cuộc sống, toàn ngành xuất bản đều có sự phát triển mạnh mẽ. Xuất bản chuyên nghiệp hơn, mua bản quyền nhanh nhạy, từ sách dịch đến sách trong nước đều có chất lượng xuất bản cao. In ấn có được hệ thống trang thiết bị hiện đại, có thể đáp ứng những nhu cầu cao nhất. Phát hành đã xuất hiện những trung tâm lớn, có thể đáp ứng nhu cầu của phát hành hiện đại. Dĩ nhiên như đã nói ở trên, vì sự phân hóa nghiêm trọng trong toàn ngành mà xuất bản Việt Nam không thể đi đến một nền xuất bản chuyên nghiệp, hiện đại.
Nguyên nhân, ở góc độ khách quan do tốc độ phát triển quá nhanh của lĩnh vực xuất bản trên thế giới. Năm 2004, khi Chỉ thị 42 ra đời thì sách bán qua mạng đang là tương lai của ngành xuất bản thế giới và chúng ta hướng vào đó. Vài năm sau, sách điện tử (ebook) bùng phát, ngành xuất bản lại chật vật chuyển mình để bám theo.
Về chủ quan, như nhận xét của Ban Tuyên giáo Trung ương, vấn đề chủ yếu nằm ở việc các cơ quan quản lý, chuyên môn còn lúng túng trước tình hình mới. Như việc cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để cần bằng giữa việc các NXB vừa là đơn vị kinh doanh vừa làm nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, công tác lý luận chưa theo kịp đà phát triển chung của toàn ngành cũng là một vấn đề; mô hình hoạt động xuất bản mới sẽ như thế nào, xã hội hóa xuất bản phải ra sao, quản lý xuất bản điện tử khác gì với xuất bản sách giấy… đều là những câu hỏi chưa có lời đáp cụ thể.
Trong hội nghị tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 42 vừa được tổ chức tại TPHCM, các đại biểu đã đề xuất với Ban bí thư tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị trong tình hình mới bởi trên thực tế, những nội dung trong chỉ thị vẫn phù hợp và đang trong quá trình thực hiện.
Nhưng ở góc độ cụ thể hơn, ngành xuất bản, in, phát hành sẽ có nhiều vấn đề cần làm trước mắt như rà soát lại hệ thống các NXB. Sẽ cương quyết giải thể những NXB không đáp ứng nhu cầu thị trường hay không thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đưa NXB vào danh mục doanh nghiệp đặc thù và có các ưu đãi về thuế, tài chính nhằm khuyến khích các NXB phát triển.
Ở lĩnh vực phát hành, phải khôi phục hệ thống nhà sách nhân dân, phát triển nhà sách lưu động, điểm bưu điện văn hóa xã… Với ngành in, một trong những vấn đề cần àm ngay là việc hoàn thiện quy chuẩn nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị in đảm bảo yêu cầu hiện đại, bảo vệ môi trường...
TƯỜNG VY